Dễ nuôi, ít công chăm sóc
Trò chuyện cùng Dân Việt, ông Dương Đức Lân cho hay, xuất thân trong gia đình thuần nông, kinh tế chủ yêu trông chờ vào mấy sào ruộng. Vợ chồng ông làm mướn, ai kêu gì làm đó, cuộc sống gia đình khá bấp bênh, trong khi các con đang tuổi ăn, tuổi học.
Nhờ nuôi cá lóc, cá trê mà ông Dương Đức Lân đút túi hơn 150 triệu đồng/năm.
Năm 2006, từ nguồn vốn vay của Agribank cộng với số tiền tích góp được hơn 20 triệu đồng, tận dụng mảnh đất vườn trồng cây kém hiệu quả, ông Lân bắt đầu đào ao nuôi cá, với các loại cá như: cá lóc, cá trê. Ban đầu do kinh nghiệm chưa nhiều, nên cá chậm phát triển, sản lượng không cao. Tuy nhiên, không nản chí, ông tiếp tục đi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, cải tạo lại hồ nuôi. Theo thời gian, mô hình nuôi cá lóc, cá trê của ông đi vào ổn định, cho năng suất và hiệu quả cao.
Mô hình nuôi cá lóc, cá trê đem lại thu nhập ổn định cho hàng chục hộ dân ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam).
Theo ông Lân, cá lóc, cá trê rất dễ nuôi, tuy nhiên nếu không biết cách thả cá theo kích cỡ thì khó tránh được tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, vì đây là loại cá háu ăn (cái gì cũng ăn được). Lúc đói con lớn có thể rượt đuổi và cắn con nhỏ, dẫn đến hao hụt cá. Vì vậy, ngoài vệ sinh ao nuôi, thì cách chọn kích cỡ để thả cá, rất quan trọng trong quá trình nuôi cá.
Rủng rỉnh thu lãi 150 triệu đồng/năm
Theo ông Lân, để nuôi cá lóc, cá trê thành công, việc đảm bảo môi trường nước trong hồ không bị ô nhiễm là rất quan trọng. Vì vậy, ông đã đầu tư hệ thống ống dẫn nước đến tận hồ. Đặc biệt, nguồn nước thải từ các hồ nuôi cá lóc sẽ được đưa qua hồ nuôi cá trê. Cách làm này giúp tận dụng hết nguồn thức ăn còn thừa. Nhờ vậy, khi cho cá ăn, có thể tăng lượng thức ăn, giúp cá mau lớn.
Mô hình nuôi cá lóc, cá trê của ông Lân có diện tích hơn 1ha, với 10 hồ nuôi, cho sản lượng hơn 10 tấn cá/năm.
Thời gian đầu do vốn ít nên ông Lân đầu tư nuôi khoảng 500m2, đến thời điểm này, mô hình nuôi cá lóc, cá trê của ông Lân có diện tích hơn 1ha, với 10 hồ nuôi, cho sản lượng hơn 10 tấn cá/năm, mỗi tấn cá bán ra thị trường có giá khoảng 44-45 triệu đồng/tấn, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông đều đặn đút túi hơn 150 triệu đồng/năm.
Hiện nay, sau 3-4 tháng nuôi thu hoạch được 1 lứa cá trê, còn cá lóc nuôi 7 tháng/lứa, nuôi gối vụ nên ông Lân xuất bán cá quanh năm, thị trường chủ yếu ở Đà Nẵng, Quảng Nam; đến kỳ xuất bán thì thương lái đến tận trang trại mua hết.
Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình ông Lân nhờ được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, nhất là Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã tạo điều kiện cho gia đình ông vay vốn, xây dựng mô hình kinh tế.
“Qua gần 15 năm nuôi cá lóc, cá trê, tôi thấy mô hình này không quá khó, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó là làm được. Giá cả thị trường lại ổn định, đầu ra tốt. Thời gian tới, tôi dự định mở rộng thêm diện tích nuôi, nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình”, ông Lân nói.
“Gia đình tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, nhất là Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Thăng Bình đã tạo điều kiện cho gia đình tôi vay vốn, xây dựng được mô hình kinh tế, từ đó có nguồn thu nhập ổn định, nuôi con ăn học, vươn lên thoát nghèo, giờ đây gia đình tôi khá giả hơn trước rất nhiều”, ông Lân phấn khởi.
: Agribank Thăng Bình là đơn vị chủ lực trong đầu tư tín dụng để phát triển lĩnh vực “tam nông” tại địa phương.
Ông Phan Tấn Sung - Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, những năm qua, với vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng để phát triển lĩnh vực “tam nông”, đơn vị đã chủ động cân đối nguồn vốn, triển khai có hiệu quả chương trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ngoài hộ ông Dương Đức Lân (xã Bình Nguyên), Nguyễn Đình Khôi (xã Bình Phục), thì còn có hàng chục hộ dân khác, nhờ có vốn làm ăn mà đã vươn lên làm giàu. Thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con để tiếp vốn kịp thời cho các hộ để đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi, góp phần tích cực nâng cao thu nhập cho người dân.