Dân Việt

Nhiều ý tưởng mới được kỳ vọng sẽ phát triển GTVT bền vững

Thế Anh 29/10/2019 16:02 GMT+7
Tại phiên họp toàn thể "Vai trò tương lai của EST với phát triển thành phố thông minh, bền vững, có khả năng thích ứng” thuộc khuôn khổ Diễn đàn liên chính phủ GTVT bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 (EST12), các đại biểu, diễn giả, chuyên gia đại diện cho các nước tham dự đã chia sẻ những kinh nghiệm, nghiên cứu về phát triển thành phố thông minh.

Những nội dung được đưa ra thảo luận tại phiên họp cụ thể như: Vai trò tương lai của EST và thành phố thông minh, có khả năng thích ứng và bền vững, hướng tới năm 2030; Đạt được thành phố thông minh có khả năng thích ứng - Thực tiễn tốt nhất toàn cầu.

Vai trò của hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong việc hiện thực hóa các thành phố thông minh có khả năng thích ứng - Kinh nghiệm từ Châu Á - Thái Bình Dương; Gia tăng tham vọng khí hậu: Cơ hội và sáng kiến giao thông vận tải trong NDC sắp tới cho các nước châu Á.

img

"Vai trò tương lai của EST với phát triển thành phố thông minh, bền vững, có khả năng thích ứng" là chủ đề chính của phiên họp.

Ngoài những nội dung trên, các đại biểu cũng thảo luận về những giải pháp, phương hướng phát triển GTVT bền vững với môi trường, hiện thực hóa thành phố thông minh trong tiến trình thực hiện mục tiêu số 11 của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDG-2030). Đáng chú ý, các đại biểu đánh giá cao vai trò tương lai của của EST ở Châu Á...

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn nhấn mạnh vai trò, mối quan hệ của phát triển hệ thống giao thông thông minh, phát thải các bon thấp đối với hiện thực hóa thành phố thông minh, có khả năng thích ứng và bền vững, cũng như vai trò của GTVT bền vững trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn bày tỏ: “Tôi mong rằng, nhiều kinh nghiệm tốt từ các nước, nhiều ý tưởng mới về giao thông thông minh, về công nghệ cacbon thấp trong GTVT sẽ được chia sẻ tại Diễn đàn nhằm tạo điều kiện cho các nước tham gia, nghiên cứu, vận dụng”.

“Đồng thời, góp phần quan trọng để đạt được sự phát triển đô thị toàn diện và bền vững, đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, thực hiện thành công mục tiêu số 11 Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Trước đó, phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia vào tiến trình thực hiện phát triển bền vững thông qua xây dựng, thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đã tích cực xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với những cam kết mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Riêng về hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn, Việt Nam đã ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư mạnh mẽ. Đặc biệt là các công trình trọng điểm, mang tính kết nối đồng bộ đã được hoàn thành, khai thác đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, tăng cường liên kết vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.

Việc tổ chức giao thông có nhiều đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần cải thiện giao thông đô thị, đảm bảo an toàn, giảm ùn tắc. Ngoài ra, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; thúc đẩy ứng dụng năng lượng mới, phát triển giao thông thông minh.

“Các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam đã đã có sự cải thiện đáng ghi nhận trong thập kỷ qua tăng 36 bậc so với giai đoạn 2010-2015”, Phó Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng đô thị lớn tuy đã được ưu tiên đầu tư phát triển, nhưng vẫn đang là điểm nghẽn rất lớn, cản trở sự phát triển bền vững của Việt Nam.