Dân Việt

Chư Pưh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, có hộ thu nhập tới nửa tỷ

Khuất Nguyên 30/10/2019 12:00 GMT+7
Trước tình trạng giá hồ tiêu giảm mạnh, cây tiêu chết do dịch bệnh ngày càng tăng, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mở ra hướng đi mới. Kết quả cho thấy các mô hình chuyển đổi bước đầu đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Nhiều mô hình để dân lựa chọn

Nhằm khắc phục tình trạng tiêu chết hàng loạt trong nhiều năm qua, UBND huyện Chư Pưh đã chỉ đạo Phòng NNPTNT huyện tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thí điểm nhiều mô hình sản xuất.

Qua đó giúp người dân lựa chọn các mô hình phù hợp với điều kiện của từng hộ, chú trọng các mô hình có tính chất lấy ngắn nuôi dài như trồng dâu nuôi tằm, trồng mít, bơ, sầu riêng xen trong vườn cà phê, trồng bạc hà, nuôi dê…

img

Ông Hoàng Thái Hùng với vườn bơ, mít cho thu nhập cao. Ảnh: K.N

Bằng những hình thức tuyên truyền, vận động, triển khai nhiều mô hình thực tế để người dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Chư Pưh đã và đang giúp người dân ổn định cuộc sống, đem lại thu nhập cao. Đây là một trong những chủ trương lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Ông Nguyễn Long Khánh - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng NNPTNT huyện Chư Pưh cho biết: “Riêng trong năm 2019, chúng tôi đã tiến hành rất nhiều cuộc hội thảo về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện, với sự tham gia đông đảo của người dân. Thông qua các cuộc hội thảo, chúng tôi nắm bắt nhu cầu của người dân, từ đó định hướng, vận động người dân lựa chọn mô hình phù hợp nhất với điều kiện của gia đình chứ không ép buộc”.

Cũng theo ông Khánh, đáng chú ý là đã có 3 doanh nghiệp tổ chức hội thảo, giới thiệu chính sách đầu tư để bà con liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể, Công ty Dâu tằm tơ Mang Yang đã phối hợp với UBND xã Chư Don và UBND xã Ia Hla triển khai 2 hội thảo chuyên đề về trồng dâu nuôi tằm. Công ty Vĩnh Xuân Gia Lai tổ chức hội thảo liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chanh dây tại xã Ia Blứ. Hợp tác xã Trường Xuân triển khai hội thảo tại các xã Ia Hla, Ia Dreng, Ia Rong, Ia Phang…

Ngoài ra, Phòng NNPTNT huyện cũng đã lập kế hoạch triển khai dự án trồng cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP thuộc chương trình “Nông thôn miền núi giai đoạn 2019 - 2022” do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Theo dự án, từ nay đến năm 2020, huyện sẽ đầu tư cho người dân trồng 30ha cam, bưởi tại các xã Ia Le, Chư Don để nhân rộng các mô hình trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện.

Mang lại thu nhập cao

Cũng theo ông Khánh, ngay sau khi hội thảo tại các xã, thị trấn, đến nay đã có 637 hộ đăng ký chuyển đổi cây trồng trên diện tích 229,46ha. Trong đó, trồng dâu nuôi tằm có 93 hộ đăng ký với diện tích 37,3ha, trồng nhãn có 391 hộ/118,8ha, trồng chanh dây 49/23,76ha, trồng cam 40 hộ/21ha, trồng bưởi 10 hộ/10,5ha… Về chuyển đổi vật nuôi, có 337 hộ đăng ký nuôi heo rừng với 580 con, 27 hộ đăng ký nuôi gà thả vườn với số lượng 5.510 con.

Việc người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi bước đầu đã đạt được tín hiệu khả quan, mang lại hiệu quả kinh tế cao và cho thu nhập ổn định. Điển hình là ông Hoàng Thái Hùng (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú) trồng bơ và mít trên vườn tiêu chết, mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

“Nhờ chuyển đổi cây trồng theo chủ trương của huyện, sau hơn 3 năm chăm sóc, vườn mít của gia đình đã cho thu hoạch, sản phẩm được các thương lái ở miền Tây và các tỉnh phía bắc thu mua khá ổn định. Sắp tới tôi sẽ trồng thêm một số loại cây ăn trái khác” - ông Hùng cho biết.

Cũng tại thôn Phú Quang, anh Nguyễn Tấn Phúc lựa chọn mô hình trồng bonsai, mỗi năm thu nhập lên đến 500 triệu đồng. Anh Phúc cho biết, sắp tới sẽ tham gia thêm mô hình trồng sầu riêng xen cà phê theo chủ trương của huyện, vì hiện tại đã có nhiều hộ dân trên địa bàn chuyển đổi thành công, cho thu nhập cao.