Dân Việt

Nuôi loài cá “chúa tể dòng sông” dân thu hàng trăm triệu đồng/năm

Minh Ngọc 01/11/2019 06:15 GMT+7
Ngoài trồng ngô, rau trên đất bồi ven sông, nông dân xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông với nhiều loại cá đặc sản, đặc biệt là nuôi loài cá chiên-loài cá vốn từ xưa được mệnh danh là "chúa tể dòng sông".

Nghề nuôi cá chiên lồng ở xã Vĩnh Lợi đã có từ nhiều năm, các hộ dân tận dụng diện tích mặt nước trên sông Lô để thả lồng nuôi cá, nhiều hộ nông dân đã giàu lên nhờ nghề nuôi loài cá với biệt danh “chúa tể dòng sông” này.

Hiện tại ở xã Vĩnh Lợi có trên 15 hộ gia đình áp dụng mô hình nuôi cá chiên trên sông, hộ nhiều thì 10-15 lồng, hộ ít thì 4-5 lồng. Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, người dân nuôi cá chiên lồng ở đây cho biết: mô hình nuôi cá chiên lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao nhất là khi vào mùa thiên tai, bão lũ.

img

Ông Trần Văn Hưng ở xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang với 12 lồng nuôi cá chiên trên sông Lô mỗi năm cho thu nhập 150-200 triệu đồng. Ảnh: Minh Ngọc.

Cá chiên được xếp vào nhóm cá “ngũ quý hà thủy” (cá chiên, cá lăng, cá rầm xanh, cá anh vũ, cá bỗng). Với giá bán trên thị trường hiện nay dao động từ 450.000 – 500.000 đồng/kg, mỗi một lồng cá người dân xã Vĩnh Lợi thu khoảng từ 50 – 60 triệu đồng.

Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Trần Văn Hưng (xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương), người có kinh nghiệm 10 năm nuôi cá chiên cho biết, nuôi cá chiên lồng có nhiều ưu điểm, có thể tận dụng được diện tích mặt nước tự nhiên, vật liệu làm lồng cá dễ kiếm, dễ làm, kỹ thuật nuôi đơn giản.

Trong xã hộ nào có điều kiện thì làm lồng bằng khung sắt, lưới và phao nhựa, hộ nào ít vốn thì tận dụng những cây tre hoặc ống nhựa để làm lồng. Mỗi lồng có thể thả khoảng 50 con cá chiên, mỗi lứa nuôi từ 1 năm rưỡi đến 2 năm, khi cá đạt trọng lượng từ 1,5 – 2 kg thì có thể xuất bán.

"Ngày xưa, cũng chưa xa lắm, người dân ven bờ sông Lô chúng tôi vẫn bắt được những con cá chiên to, nặng đến vài chục kg. Có những con cá chiên dân câu được, hoặc lưới được mà khi kéo lên bờ trông mốc thếch, da dày rất kỳ quái, nên nhiều người vẫn gọi những con cá chiên lớn như thế là "thủy quái" sông Lô...Bây giờ, cá đó gần như không còn, dân nuôi lồng có giỏi lắm chỉ độ 10kg đổ lại thôi...", ông Hưng nhớ lại.

img

Theo ông Hưng, nghề nuôi cá chiên lồng không khó, quan trọng nhất là phải thường xuyên theo dõi nguồn nước, vệ sinh lồng để cá không gặp dịch bệnh. Tuy nhiên cũng theo ông Hưng, chi phí đầu tư ban đầu để nuôi cá chiên lồng cũng tương đối lớn. Ảnh: Minh Ngọc.

Nghề nuôi cá chiên lồng đã phát triển mạnh ở xã Vĩnh Lợi trong vài năm trở lại đây. Với nhiều chính sách hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi, chuyển giao khoa học kỹ thuật…ngoài ra chính quyền địa phương còn tổ chức cho các hộ nuôi cá chiên lồng đi thăm quan các mô hình nuôi cá chiên ở các tỉnh, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá chiên lồng, bởi vậy sau mỗi lứa cá thu hoạch nhiều hộ đều mở rộng diện tích, tăng số lồng nuôi cá chiên lên.

“Đầu tiên chỉ với 5 lồng cá chiên, nhưng sau khi có chính sách vay vốn ưu đãi, tôi đã vay 200 triệu đồng để mở rộng diện tích nuôi cá, đến nay nhà tôi đã có tổng số đã có 12 lồng nuôi cá chiên, mỗi năm thu hoạch cho sản lượng từ 6-7 tạ cá, trừ chi phí cho lợi nhuận 150-200 triệu đồng/năm”, ông Hưng chia sẻ.

img

Với 12 lồng cá chiên trên sông Lô, ông Trần Văn Hưng dự kiến năm nay sẽ cho sản lượng từ 6-7 tạ cá. Nhiều thương lái, chủ nhà hàng đã gọi điện đặt hàng từ trước cả 1 tháng. Ảnh: Minh Ngọc. 

Đặc tính của cá chiên phải nuôi ở vùng nước sạch, có dòng nước chảy, những nơi có nhiều sỏi, đá, không có bùn thì cá sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. Về khâu chọn con giống thì cá giống phải khỏe mạnh, không dị hình, xây xát, kích cỡ đồng đều, không bị mất nhớt, cá hoạt động linh hoạt, bơi lội nhanh nhẹn. Kích cỡ cá giống 20 – 25 cm, trọng lượng từ 0,2 - 0,3kg/con.

Về thức ăn cho cá chiên, hiện tại với 12 lồng, mỗi ngày ông Hưng mua 50kg các loại cá tạp sau đó băm nhỏ. Thức ăn được chia đều làm 2 phần, cho cá ăn vào lúc sáng (6 – 7h) và chiều (17 – 18h). Cho cá ăn đúng giờ để tạo phản xạ có điều kiện cho cá, ông Hưng phân tích.

img

img

Tận dụng diện tích mặt nước trên sông Lô, nhiều hộ gia đình ở xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nghề nuôi cá chiên lồng. Ảnh: Minh Ngọc.

Với kinh nghiệm 10 năm nuôi cá chiên lồng, theo ông Hưng: hàng ngày phải quan sát hoạt động của cá trong các lồng nuôi, mỗi tuần vệ sinh lồng một lần.Dùng bàn chải nhựa cọ sạch các cạnh bên lồng lưới. Việc vệ sinh lồng tiến hành trước các bữa ăn của cá. Loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng vào khu bè nuôi. Vào mùa mưa lũ phải kiểm tra cá dây neo bè, di chuyển lồng vào vị trí an toàn khi có bão, lũ.

Vẫn theo kinh nghiệm của ông Hưng, khi cá bị mắc bệnh, sau khi phát hiện dùng vải màn kéo cá lên, sau đó tách riêng những con cá yếu. Sau đó cho vôi vào các túi treo ở đầu các lồng cá để khử trùng, tránh vi khuẩn.

Còn ông Trần Văn Tiến, xã Vĩnh Lợi phấn khởi cho hay: “Tôi nuôi 10 lồng cá chiên trên sông Lô. Tôi thấy môi trường nước ở đây rất phù hợp, nên đàn cá phát triển rất tốt, không xuất hiện dấu hiệu dịch bệnh. Giai đoạn thu hoạch có nhiều thương lái, chủ nhà hàng ở thành phố Tuyên Quang đánh xe tải và đỗ thuyền vào mua với giá cao. Tôi nuôi cá chiên lồng cũng gần 10 năm nay, sau khi trừ chi phí gia đình tôi có lãi hơn 150 triệu đồng/năm, cuộc sống của gia đình ngày càng dư giả...".

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Trình Xuân Chử, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lợi cho biết: nghề nuôi cá chiên lồng trên sông Lô đã trở thành lĩnh vực kinh tế trọng tâm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Vĩnh Lợi. Chính quyền địa phương cũng đã có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện giới thiệu các nguồn vay vốn cho các hộ nuôi cá, đầu tư, mở rộng sản xuất.

“Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ cho bà con nuôi cá chiên lồng, từ đó tham mưu cho UBND huyện có những chính sách hiệu quả hỗ trợ kịp thời cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tìm đầu ra và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhân dân, để người dân yên tâm với nghề nuôi cá chiên lồng vươn lên làm giàu chính đáng ở quê hương...’’, ông Trình Xuân Chử, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lợi thông tin thêm.