Kén người mua vì giá cao
Theo số liệu của Bộ NNPTNT, tổng mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ hàng năm của nước ta đạt khoảng 500 tỷ đồng, trong đó TP.HCM và Hà Nội chiếm tới 80%. Trên toàn quốc có 15% số chợ, 30% số trung tâm thương mại và siêu thị kinh doanh sản phẩm hữu cơ.
So với sản xuất nông nghiệp đại trà, sản xuất hữu cơ tốn công sức hơn nhưng sản lượng thấp hơn khiến giá thành sản phẩm bị đẩy cao, nên không phải người tiêu dùng nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua.
Bà Phạm Phương Thảo - Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ Organica (TP.HCM) cho biết, rau quả hữu cơ tại hệ thống cửa hàng có giá cao hơn sản phẩm cùng loại ở chợ truyền thống gấp 2-3 lần. Bà Thảo chứng kiến rất nhiều khách hàng là những cặp vợ chồng trẻ chỉ dám mua nông sản hữu cơ cho con nhỏ ăn, còn bản thân mình thì ăn thực phẩm canh tác đại trà rẻ tiền hơn.
Tuy nhiên, nếu so sánh với nông sản an toàn có chứng nhận VietGAP, nông sản hữu cơ có giá cao hơn không nhiều. Ông Vũ Thanh Tân - đại diện truyền thông hệ thống siêu thị Big C cho biết, trung bình giá rau hữu cơ cao hơn rau thường bày bán trong siêu thị khoảng 15 - 20%.
Sản phẩm hữu cơ chủ yếu được tiêu thụ qua hệ thống bán lẻ (chụp tại cửa hàng của Organica). Ảnh: Thục Anh
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có gần 20 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản… đến các thị trường như Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Quốc, Campuchia, Mỹ, Italy, Đức, Anh, Nga, Canada, Malaysia, Hà Lan... |
Bên cạnh giá cao thì mẫu mã không đẹp cũng là một trở ngại khiến sản phẩm hữu cơ khó hấp dẫn người mua. Bà Thảo cho biết, với rau củ quả hữu cơ, việc bị sâu, ong chích nhẹ là rất bình thường. Thậm chí có một số sản phẩm bên ngoài nhìn bình thường, không ai biết là bên trong đã bị ong chích đến hỏng, đó cũng là lý do cửa hàng của bà luôn có thông báo đổi lại hàng cho khách.
Ông Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc HTX nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai) nhận xét, một quả bưởi da xanh hữu cơ, mùi vị không khác gì quả bưởi thông thường, mẫu mã lại xấu hơn trong khi giá bán lại cao gấp đôi sản phẩm thông thường nên khó thuyết phục người tiêu dùng trong nước bỏ thêm tiền để mua.
Giá bán nông sản hữu cơ cao do chi phí sản xuất cao. Ngoài năng suất nông sản hữu cơ kém hơn cách sản xuất thông thường, bà Thảo cho biết, để có một giấy chứng nhận hữu cơ của Mỹ hay châu Âu, tùy chủng loại sản phẩm và diện tích, thường một vườn 2-5ha chi phí chứng nhận tốn gần 10.000USD (hơn 220 triệu đồng) và mỗi năm đều phải tái đánh giá.
Khó định vị thương hiệu
Kinh doanh các mặt hàng xoay quanh cuộc sống của một gia đình Việt, từ thực phẩm với rau củ quả thịt cá... đến các mặt hàng tiêu dùng như nước giặt rửa, trong cơ cấu sản phẩm tại hệ thống cửa hàng Organica của bà Thảo hiện hàng nội địa chỉ chiếm 55 - 60%. Những năm đầu, thậm chí hàng nhập khẩu chiếm tới 70%. Nhiều sản phẩm Việt Nam chưa có hoặc có rồi mà chưa có chứng nhận organic như dầu ôliu, ngũ cốc, yến mạch, các loại hóa mỹ phẩm... nên bà vẫn phải nhập từ nước ngoài. Hàng trong nước chủ yếu là hàng thô, hoặc chế biến sơ. Đa số các sản phẩm đã qua chế biến tinh (như sữa…) đều là hàng nhập khẩu.
“Một khó khăn cho những cửa hàng nhỏ lẻ bán các thực phẩm hữu cơ là nhiều khi khách đến thấy không có thứ này thì sẽ không mua luôn cả thứ khác. Ví dụ, muốn nấu canh chua, mà tới cửa hàng chỉ có cá và cà chua, thiếu rau thì là, họ sẽ không mua luôn cả cá và cà chua mà đi qua chỗ khác” - bà Thảo cho biết.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, việc tiêu thụ sản phẩm hữu cơ còn thấp do hiện nay việc chế biến các sản phẩm hữu cơ chưa được quan tâm đầu tư. Các sản phẩm tiêu thụ trong nước chủ yếu ở dạng tươi sống. Các sản phẩm hữu cơ xuất khẩu phần lớn mới chỉ ở dạng sơ chế như rau, quả, hồ tiêu, chỉ có một số ít như chè, tinh dầu dừa, tôm đã qua chế biến…
Nếu những yếu tố đầu vào cho sản xuất hữu cơ đã khó thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm còn gian nan hơn. Ông Nguyễn Văn Chữ - Giám đốc Công ty Nam Thành (Hà Nội) cho biết, đã phải đầu tư 9 tỷ đồng để xây dựng 100 chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm, đồng thời tổ chức các buổi tham quan, giới thiệu sản phẩm miễn phí. “Nói thật, nếu không có số vốn trong 15 năm sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi thì tôi không thể bám trụ được với con đường kinh doanh thực phẩm hữu cơ” - ông Chữ cho biết.
Bà Phạm Phương Thảo cũng đồng tình, đầu ra mới là yếu tố khó khăn nhất của sản xuất hữu cơ. Để mở một cửa hàng mới, bà Thảo cần số vốn tốn thiểu 1 tỷ đồng và xác định phải mất 10 tháng hoặc 1 năm đầu thua lỗ. “Mở một cửa hàng nhiều lo toan, đặc biệt vấn đề nhân sự. Phải là người yêu thích bán lẻ và nông nghiệp mới chịu làm lâu dài. Trong khi đó khách hàng vẫn còn chưa hiểu hết về hữu cơ, người bán hàng phải kiêm luôn vai trò tư vấn cho khách” - bà Thảo chia sẻ.