Dân Việt

Từ 2018, Việt Nam bắt giữ 3.000 tấn đường lậu

Thục Anh 31/10/2019 09:47 GMT+7
Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, đi qua đường bộ Campuchia rồi vào biên giới nước ta thông qua biên giới các tỉnh Tây Nam Bộ và miền Trung.

Báo cáo tại Hội nghị bàn về các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam, diễn ra tại TP.HCM chiều 30/10, ông Trương Văn Ba, phó Chánh văn phòng – Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) quốc gia cho biết: Tính từ đầu năm 2018 đến hết tháng 9/2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 876 vụ buôn lậu đường, xử phạt hành chính trên 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường vi phạm trị giá hơn 12, 5 tỷ đồng.

Lượng đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan, là một trong 4 nước sản xuất đường hàng đầu thế giới. Ngành mía đường Thái Lan được chính phủ trợ giá và giá thành sản xuất của Thái Lan thấp hơn Việt Nam. Theo ước tính của ông Cao Anh Đương - quyền Chủ tịch hiệp hội Mía đường Việt Nam: Lượng đường nhập lậu từ Thái Lan qua đường bộ Campuchia, vào Việt Nam trong năm qua là khoảng 800.000 tấn.

img

Hội nghị bàn về tình hình nhập lậu đường cát vào Việt Nam và giải pháp chống buôn lậu. Ảnh: B.T

Chia sẻ thẳng thắn tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ủy viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá:  Các vụ xử lý, kiểm tra chưa tương xứng với lượng đường nhập lậu. Tính toán từ nhu cầu tiêu dùng thực tế (tiêu dùng trực tiếp tới cung cấp nguyên liệu cho ngành bánh kẹo, nước giải khát…), mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn đường. Trong khi vụ mùa 2018-2019, trong nước chỉ sản xuất được gần 1,2 triệu tấn, số lượng đường nhập khẩu khai báo qua hải quan chưa đến 100.000 tấn, chứng tỏ lượng đường nhập lậu rất cao.

img

Ông Trương Văn Ba phát biểu tại Hội nghị . Ảnh B.T

Theo Tổng cục trưởng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có một phần buông lỏng quản lý ở địa phương. Đặc biệt trên tuyến nổi cộm An Giang, Long An, Tây Ninh. Sự phối hợp chống buôn lậu từ biên giới vào sâu trong nội địa chưa đồng bộ, còn có dấu hiệu tiếp tay cho buôn lậu. Bên cạnh đó, một số nhà máy hệ thống phân phối đường vì lợi nhuận cục bộ chưa thống nhất và đồng tâm chống buôn lậu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; thậm chí còn tiếp tay cho buôn lậu.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề ra 5 giải pháp chống buôn lậu. Trong đó, có tăng cường lực lượng vùng biên, gắn trách nhiệm của người chỉ huy, tổ công tác và từng địa bàn cụ thể cũng như quan tâm hỗ trợ để phát triển kinh tế địa phương nhất là kinh tế biên giới, hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho người dân đia phương, để từ đó ổn định cuộc sống, không tiếp tay cho buôn lậu.

img

Đường nhập lậu qua biên giới, bị lực lượng chức năng Việt Nam bắt giữ. Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Văn Cần cho biết, sắp tới Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ có các kế hoạch chuyên đề, chuyên án làm mẫu xử lý các vụ việc. Ông cũng cho rằng, để công tác chống buôn lậu hiệu quả, công an các tỉnh, lực lượng biên phòng cũng như các cơ quan quản lý chức năng khác cần tăng cường công tác quản lý đấu tranh.

Ngoài ra, việc tuyên truyền cho người dân vùng biên không tiếp tay tội phạm là cần thiết. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm của Anh khi chống buôn lậu thuốc lá là gắn một con chip vào các bao tải thuốc để dễ dàng phân biệt thuốc lá nhập lậu và thuốc lá không nhập lậu.