Các chuyên gia nói về tầm quan trọng của TMĐT trong xuất khẩu của các DN vừa và nhỏ (Ảnh: Quốc Hải)
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, cho thấy, hiện có 32% DN vừa và nhỏ Việt Nam thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Theo đó, việc gia nhập những nền tảng TMĐT không chỉ giúp DN xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên thế giới, mà từ đó còn mở rộng được cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, giảm chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại qua hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng… tại các thị trường mục tiêu.
Tìm “lối thoát” từ alibaba.com
Bà Trần Bảo Ngọc (Jenny Trần), chủ sỡ hữu M.i.i.n Eyelash - thương hiệu sản xuất mi giả nổi tiếng trên thị trường quốc tế, chia sẻ: Năm 2013, M.i.i.n Eyelash được thành lập với quy mô DN gia đình, chỉ có khoảng 20 lao động, nhưng sau gần một năm tồn tại trên thị trường, DN đứng trên bờ phá sản bởi không có đầu ra cho sản phẩm. M.i.i.n Eyelash sau đó chỉ tồn tại cầm chừng và phải liên tục sa thải lao động do không còn lương để trả.
Bà Trần Bảo Ngọc (Jenny Trần) chia sẻ về quá trình vực dậy DN nhờ nền tảng Alibaba.com (Ảnh: Quốc Hải)
“M.i.i.n Eyelash là tâm huyết của tôi trong bước đầu khởi nghiệp, vì vậy tôi tìm mọi phương án để có thể tồn tại. Sau khi mày mò trên mạng Internet, tôi tìm thấy nền tảng Alibaba.com và quyết định tìm hiểu, tham gia, không ai ngờ rằng, chỉ sau 2 tuần bán hàng trên Alibaba.com, tôi đã vực dậy được M.i.i.n Eyelash. Giờ đây, mỗi tháng M.i.i.n Eyelash đều nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường Mỹ và Nga”, bà Bảo Ngọc chia sẻ.
Cũng tìm ra nền tảng alibaba.com và trở thành DN xuất khẩu trầm hương nổi tiếng Việt Nam, ông Vũ Trung Sơn, Giám đốc Vietnam Agarwood Centre, cho biết: “Ban đầu, các sản phẩm trầm hương do DN chúng tôi sản xuất chỉ tiêu thụ trong nước với quy mô nhỏ, thậm chí có lúc còn bước dần đến bờ vực phá sản. Tuy nhiên, cũng nhờ nền tảng thương mại điện tử B2B là alibaba.com, hiện tại, thị trường xuất khẩu các sản phẩm trầm hương của Vietnam Agarwood Centre đã lên tới 40 nước trên thế giới, bao gồm cả thị trường khó tính khu vực Trung Đông”.
Trường hợp như M.i.i.n Eyelash, Vietnam Agarwood Centre… là những điển hình của các doanh nghiệp SMS (vừa và nhỏ), DN khởi nghiệp tại Việt Nam tìm ra cơ hội xuất khẩu từ nền tảng thương mại điện tử alibaba.com.
Ông Zhang Kuo, Tổng Giám đốc alibaba.com, cho biết, alibaba.com là sàn thương mại điện tử doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) dẫn đầu thế giới ở thời điểm hiện tại. Thông qua alibaba.com, doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm tới hơn 260 triệu khách hàng doanh nghiệp trên 190 quốc gia trên toàn thế giới.
“Hiện nay, alibaba.com đang hỗ trợ rất nhiều nhà cung cấp lớn nhất trên thế giới và nằm trong các nền kinh tế nổi nhất toàn cầu. Cùng đó, alibaba.com cũng đã có mặt ở nhiều quốc gia Đông Nam Á và trong khu vực với nhiệm vụ là cho các doanh nghiệp kinh doanh trở nên dễ dàng hơn mọi nơi mọi chỗ thông qua nền tảng, dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới”, ông Zhang Kuo, cho biết.
Cũng theo ông Zhang Kuo, khi các DN tham gia nền tảng alibaba.com và được công nhận là nhà cung cấp vàng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ được nhận những dịch vụ hỗ trợ từ thiết kế trang web, đăng tin sản phẩm, xếp hạng, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng để họ tìm hiểu và đặt hàng; được hỗ trợ để kế hoạch của doanh nghiệp thành công hơn. Đặc biệt, alibaba.com còn giúp đỡ về đào tạo, tham quan khảo sát và đánh giá hiệu quả, tạo cơ hội gặp gỡ để doanh nghiệp gia tăng cơ hội kinh doanh trực tuyến qua thương mại điện tử…
Ông Zhang Kuo, Tổng Giám đốc Alibaba.com nói về cơ hội và sự hỗ trợ dành cho các DN vừa và nhỏ của Việt Nam (Ảnh: Quốc Hải)
“Hiện Việt Nam có tới trên 500 nghìn DN vừa và nhỏ, tuy nhiên rất ít trong số này tham gia thương mại toàn cầu bằng nền tảng kỹ thuật số. Vì thế, chúng tôi mong muốn giúp các DN vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế trên nền tảng alibaba.com, giúp số hóa các DN và tăng thêm nhiều việc làm tại địa phương”, ông Zhang Kuo, chia sẻ.
Tăng cơ hội xuất khẩu hàng Việt qua các kênh TMĐT
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết, hiện tại, các thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam hiện nay lần lượt là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và tập trung vào may mặc, giày dép, đồ gỗ, nông sản… giá trị đem lại cho Việt Nam rất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng nền tảng của Alibaba.com để xuất khẩu ra quốc tế một cách hiệu quả.
“Trong năm 2019, nhiều lĩnh vực, ngành hàng từ dệt may, da giày cho tới nông sản, thủ công mỹ nghệ... của Việt Nam đang chú trọng hơn đến kênh bán hàng này nhằm gia tăng lượng hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 12% trong số các DN vừa và nhỏ của Việt Nam đăng tải bán hàng trên các nền tảng TMĐT. Đã vậy, DN còn thiếu kỹ năng và tự chủ khi bán hàng trực tuyến,… Vì vậy, muốn cải thiện tình trạng này, các doanh nghiệp nên tìm đến nền tảng Alibaba.com để có những cải thiện tốt hơn”, ông Hưng nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số (thuộc Bộ Công thương) thì, TMĐT xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3.300 tỷ USD trong hai năm tới. Do đó, xuất khẩu qua TMĐT là xu thế tất yếu và cũng là phương thức giúp DN có được đơn hàng nhanh chóng. Tuy nhiên, để khai phá thành công kênh TMĐT, DN cần phải cải thiện nhiều vấn đề.
“Mặc dù châu Á - Thái Bình Dương là trung tâm của cuộc cách mạng TMĐT khi chiếm hơn 50% doanh số bán lẻ trực tuyến toàn cầu, nhưng mua sắm trực tuyến phát triển quá mạnh thì yêu cầu của khách hàng cũng trở nên phức tạp hơn, đặt kỳ vọng cao hơn. Người mua trực tuyến cần sự hiển thị hàng hóa rõ ràng, bao gồm chi tiết sản phẩm, giá cả, phí vận chuyển và thời gian giao nhận, vì vậy DN cần phải nhanh chóng thích ứng. Nhà bán hàng cũng cần chú trọng dịch vụ giao nhận và đổi trả hàng hóa linh hoạt, cũng như tận dụng sự phát triển của thương mại di động để tạo ra trải nghiệm mua sắm đa dạng hơn cho khách hàng...”, bà Huyền khuyến cáo.