Trong khi đó, trang mạng WikiLeaks tuyên bố tiếp tục đăng tải các tài liệu tối mật, có liên quan đến an ninh của nhiều nước.
Julian Assange được đưa đến tòa án dưới sự hộ tống của xe bọc thép của cảnh sát để nghe quyết định tuyên tạm giam. Phóng viên từ khắp nơi trên thế giới và nhiều người ủng hộ WikiLeaks vây quanh tòa án nơi diễn ra phiên điều trần để đưa tin và bày tỏ sự ủng hộ đối với ông chủ WikiLeaks.
Julian Assange không được chấp thuận cho bảo lãnh tại ngoại |
Bị từ chối tại ngoại
Trong phiên xét xử, bà Gemma Lindfield, đại diện cho nhà chức trách Thụy Điển cho biết, ông Assange bị truy nã với 4 cáo buộc cưỡng bức và quấy rối tình dục. Tuy nhiên, ông Assange và các luật sư cho rằng, những cáo buộc trên bắt nguồn từ một "xung đột về chuyện quan hệ tình dục có sự đồng thuận nhưng không dùng các biện pháp bảo vệ", đồng thời khẳng định rằng vụ việc đã bị "chính trị hóa".
Người sáng lập WikiLeaks đã đề xuất được bảo lãnh tại ngoại với sự hỗ trợ về tài chính gồm 180.000 bảng Anh từ đạo diễn phim Ken Loach, nhà hoạt động xã hội Jemima Khan và nhà báo John Pilger cùng một số người khác.
Tuy nhiên, tòa án đã bác đề nghị này và quyết định mở phiên tòa kế tiếp vào ngày 14-12 tới để kết luận việc có dẫn độ người sáng lập WikiLeaks sang Thụy Điển hay không.
Ông Assange và các luật sư tuyên bố sẽ đấu tranh tới cùng để không bị dẫn độ sang Thụy Điển do lo ngại có thể bị dẫn độ sang Mỹ. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley tuyên bố, Washington không có kế hoạch yêu cầu dẫn độ người sáng lập WikiLeaks Julian Assange.
WikiLeaks vùng vẫy
Trong khi Julian Assange bị giam giữ cho đến ngày 14-12, người phát ngôn trang mạng WikiLeaks tuyên bố, WikiLeaks sẽ được đẩy lên thêm một mức, tăng cường công bố các tài liệu mật, thậm chí tối mật có liên quan đến an ninh quốc gia của nhiều nước trên thế giới, tất nhiên là sẽ gây sốc hơn nhiều so với các thông tin đã cho đăng tải.
Một trong số các thông tin quan trọng mà giới bình luận cho rằng hiện WikiLeaks vẫn đang nắm giữ là các tài liệu về nhà tù của Mỹ ở Guantanamo, video hậu quả tấn công đường không vào dân thường Afghanistan, các dữ liệu về hoạt động của Tập đoàn Dầu khí BP và ngân hàng Bank of America.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 8-12, tạp chí danh tiếng Time của Mỹ vừa đưa nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange vào danh sách bình chọn “nhân vật của năm”, trong bối cảnh ông này đang bị bắt giữ ở Anh.
Tuy đang bị Chính phủ các nước, đặc biệt là Mỹ lên án nhưng Assange lại có nhiều khả năng dẫn đầu danh sách nhân vật của năm. Sở dĩ ông Assange nhận được nhiều lá phiếu bình chọn là do một người lấy tên “vô danh” tích cực kêu gọi cộng đồng mạng ủng hộ để nhà sáng lập WikiLeaks có thể trở thành nhân vật sáng giá nhất cho danh hiệu này.
“Nhân vật của năm” là danh hiệu thời báo Time hàng năm trao tặng cá nhân hoặc một nhóm người mà thời báo này nhận định là những người có tác động, ảnh hưởng sâu rộng nhất đến các sự kiện quốc tế trong năm.
Thực tế cho thấy, dù bị lãnh đạo Đảng Cộng hòa Mỹ Mitch McConnell gọi là “tên khủng bố công nghệ cao”, một nhân vật bị ví như Hitler... nhưng nhiều người khác vẫn ca tụng Julian Assange là một anh hùng.
Quang Minh