HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A gồm 95 thành viên gắn bó với nghề dệt lanh. Ảnh: N.Q
Đổi thay những phận người khốn khó
Bên một chiếc khung dệt, chị Sùng Thị Sy đang nhịp nhàng đẩy bàn chân cho thanh trục chuyển động, còn đôi tay thì đưa thoi thoăn thoắt khiến từng sợi dọc – sợi ngang đan xen nhịp nhàng, y hệt như một nghệ sỹ đang chơi nhạc.
Trước đây, chị Sy từng là nạn nhân của bạo lực gia đình mỗi lần người chồng say xỉn. Cùng với đó, cuộc sống gia đình thiếu thốn đủ bề khi không có tiền cho con đi học, ăn mặc đều thiếu thốn.
“Chồng mình chỉ ở nhà không biết đi làm gì. Chồng rất bức xúc và bạo lực, đánh mình. Những lúc uống rượu đánh mình. Khi nó tỉnh rượu lại không nhớ gì, không nói gì. Mình cũng muốn bỏ trốn để đi làm thuê ở chốn nào đó, nhưng có các con rồi muốn đi không được muốn ở không xong, mình cảm thấy rất tủi thân”, chị Sy kể lại.
Chị Sùng Thị Sy từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, HTX dệt lanh giúp chị có thu nhập ổn định và cuộc sống hòa thuận hơn. Ảnh: N.Q
Gần 2 năm tham gia làm việc ở HTX dệt lanh truyền thống, chị có thu nhập ổn định và cũng trông coi nhà cửa được thuận tiện hơn, vợ chồng cũng hòa thuận hơn. Sau khi tham gia một thời gian chị còn vận động cả người chồng tham gia HTX, làm các công việc nặng nhọc hơn như bê vác hoặc giao hàng. Đến nay, mỗi tháng tổng thu nhập của cả hai vợ chồng chị Sy được khoảng 10 triệu đồng.
Chị là một trong số 95 thành viên của HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A. HTX nằm ngay trước cổng vào Dinh thự Họ Vương thuộc xã Sà Phìn, Đồng Văn, được thành lập với nguồn vốn từ chương trình 135, nghị quyết 30a về giảm nghèo của Chính phủ.
Lanh trồng sau 2 tháng sẽ được thu hoạch, tước sợi, giã sợi... Ảnh: N.Q
Chị Vàng Thị Cầu, Tổ trưởng Tổ Sản xuất nói, chẳng biết nghề dệt lanh trắng có từ khi nào. Trải qua bao thế hệ, từ một vỏ cây lanh trắng thô ráp, những đôi tay khéo léo ngày ngày dệt nên tấm vải lanh rồi dùng màu sắc cây rừng tự nhiên nhuộm cho bắt mắt. Cùng với đó, sự phát triển của dệt may công nghiệp đã khiến nghề dệt lanh trắng truyền thống ngày càng mai một.
Năm 17 tuổi chị Cầu mới được học lớp 1. Từ khi có cái chữ, chị Cầu nhận ra sự mai một ngày càng rõ nét của nghề dệt lanh và nung nấu ý tưởng thành lập HTX, giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân tộc Mông.
Những sợi lanh được gài vào khung dệt, sợi dài làm sợi dọc, sợi ngắn làm sợi ngang. Ảnh: N.Q
“Những ngày HTX vẫn còn trên... giấy tờ, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn Nguyễn Ngọc Thanh nói với tôi rằng xã hội ngày càng phát triển thì phụ nữ càng phải có việc làm. Phụ nữ Đồng Văn không có việc làm, nam giới lại đi lao động trái phép ở Trung Quốc nhiều quá. Vậy nên, thành lập HTX dệt lanh trắng cũng chính là để giúp phụ nữ Đồng Văn có một chỗ đứng trong xã hội và gia đình”, chị Cầu chia sẻ.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc
Tháng 3/2018, HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A chính thức đi vào hoạt động. Hai mươi nhân tố ban đầu của HTX có người là hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, là người tàn tật, nạn nhân của bạo lực gia đình, mua bán người qua biên giới…
Họ cùng nhau học hỏi, cùng nhau cải tiến quy trình sản xuất, rồi cùng nhau tạo nên những sản phẩm từ lanh trắng chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu hiện đại, nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.
Vải lanh sau khi dệt sẽ được tẩy trắng bằng tro bếp, nấu, phơi, rồi đặt dưới phiến đá lớn để lăn cho mềm vải. Ảnh: N.Q
Sau hơn một năm gắn bó với nghề dệt lanh trắng, 100% thành viên là “hạt giống” ban đầu của HTX đã thoát nghèo. Trên địa bàn huyện, 95 thành viên thuộc 15/19 xã, thị trấn của huyện Đồng Văn tham gia vào HTX. Sự tỉ mẩn, khéo léo đã giúp họ có thu nhập bình quân hàng tháng dao động từ 2 – 6 triệu đồng.
“Trong thời gian vừa qua chúng tôi cũng nhận được những đơn hàng từ Hà Lan, Đức, Nhật. Đầu tiên đơn hàng giới thiệu sản phẩm chúng tôi đưa đi UNESCO là những sản phẩm túi đựng tài liệu cho các đại biểu đến dự hội nghị và sau đó là những đơn hàng do các cán bộ, các anh chị ở nơi khác đặt đưa đi các nơi, để phát triển mặt hàng thời trang. Bây giờ chị em đã có công ăn việc làm ổn định.”
Những sản phẩm làm từ vải lanh đủ màu sắc được du khách ưa chuộng. Ảnh: N.Q
Không chỉ vậy, sản phẩm do HTX làm ra còn được trưng bày tại điểm tham quan Dinh thự Họ Vương. “Những sản phẩm thổ cẩm vải lanh tự nhiên có độ bền cao lên tới 10 năm, càng dùng lâu càng mềm mịn tốt cho da, đã được du khách đón nhận”, chị Vàng Thị Cầu tự hào nói.
Ủng hộ ý tưởng của thành viên Hội phụ nữ, Bí thư Huyện uỷ Đồng Văn Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, ban đầu huyện đã hỗ trợ cho vay vốn 300 triệu đồng để thu mua, triển khai trồng và tạo vùng nguyên liệu, hỗ trợ địa điểm vừa sản xuất vừa trưng bày sản phẩm.
Quyết tâm cao của thành viên Hội Phụ nữ đã giúp tập hợp và phát huy được tài năng của người phụ nữ dân tộc Mông. Thu nhập ổn định từ dệt lanh trắng đã giúp họ có được sự bình đẳng, tiếng nói trong gia đình, hạn chế bạo lực.
“Trong tương lai, với mong muốn duy trì và phát triển nghề dệt lanh trắng truyền thống, giải quyết việc làm cho phụ nữ dân tộc Mông, Huyện sẽ hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện mở rộng, phát triển mô hình HTX - điểm tựa cho những người phụ nữ Mông”, Bí thư Huyện uỷ Đồng Văn Nguyễn Ngọc Thanh khẳng định.