xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An được coi là "làng tỷ phú" (Ảnh: Reuters)
Dù từ lâu đã được mệnh danh là ngôi làng có nhiều tỷ phú nhất Việt Nam, song phần lớn số tiền gửi về xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An thường trải qua một chặng đường rất dài. Phần lớn những gia đình tại đây, dù sống trong những căn biệt thự nguy nga, nhưng được trả bằng tiền của những người thân đang lao động ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Hà, chủ tịch xã Đô Thành cho biết: “Có tới 70 đến 80% biệt thự ở đây đã được xây dựng bằng kiều hối.”
“Nếu kiếm tiền ở trong nước, sẽ tốn rất nhiều thời gian để xây dựng một ngôi nhà lớn như thế này,” ông Hà vừa nói vừa chỉ tay vừa chỉ tay về những căn biệt thự lớn, nhiều tầng nằm bên cạnh trụ sở Ủy ban Nhân dân xã.
Từng là một trong những xã nghèo nhất Nghệ An vào những năm 1980, nhưng đến những năm 1990, sau khi một vài người trong xã đã nảy ra ý định đi lao động ở châu Âu, làn sóng xuất ngoại bùng nổ đã khiến diện mạo của Đô Thành thay đổi chóng mặt.
Cho đến nay, có tới 1.500 người dân xã đang lao động châu Âu, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Những khó khăn khi tìm công ăn việc làm, sự dụ dỗ của các băng đảng buôn người…là những yếu tố khiến nhiều người ra đi.
Kiều hối ngày càng tăng
Một góc nhà thờ lớn ở trung tâm xã Đô Thành (Ảnh: Reuters)
Dù chi phí cho một lần nhập cư lậu vào Âu có thể lên tới hàng nghìn đô la Mỹ, nhưng những người di cư sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho các dịch vụ “VIP”, với niềm tin rằng họ sẽ có thể kiếm đủ tiền bù đắp rủi ro.
“Chúng tôi biết rằng nhiều cư dân của huyện này đang sống ở Anh, nhưng chưa biết họ làm gì ở đó để kiếm được ngần nấy tiền này gửi về nhà”, ông Hà cho biết.
Những lao động nước ngoài đã gửi tới 16 tỷ đô la Mỹ kiều hối về Việt Nam vào năm 2018, cao gấp đôi so với thặng dư thương mại cùng kỳ trong nước. Dữ liệu từ tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy kiều hối về Việt Nam đã tăng tới 130% trong 10 năm qua.
Tại Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận, các chính sách địa phương khuyến khích việc xuất khẩu lao động một cách hợp pháp. Tính riêng tại Nghệ An, tỉnh này đã kiếm được tới 255 triệu đô la Mỹ hàng năm từ các lao động ở nước ngoài.
“Những số liệu về lượng kiều hối thậm chí có thể cao hơn so với ghi nhận, do tiền được chuyển thông qua nhiều kênh không chính thức, như tiền mặt hoặc hàng tiêu dùng, đều không được tính,” ông Nguyễn Trí Hiếu, một nhà kinh tế tại Hà Nội và cựu cố vấn Chính phủ, cho biết với Reuters.
Trồng cần sa và giũa móng
Vào năm ngoái, chính quyền Anh cho biết khoảng 70% các vụ buôn bán người Việt vào nước này trong giai đoạn 2009-2016 đều liên quan đến việc bóc lột sức lao động, với những người di cư bị dụ dỗ đi trồng cần sa trái phép và làm việc trong các tiệm giũa móng.
Nhưng nhiều người cũng tìm được những công việc hợp pháp ở những nước Châu Âu, Mỹ và gần hơn là ở Nhật Bản, Đài Loan hay thậm chí ở nước láng giềng Lào.
“Tôi không có đủ tiền xuất ngoại nên chỉ có thể vào Sài Gòn,” ông Bùi Văn Diệp, một thợ hàn, nói với Reuters.
Biệt thự khang trang một người dân tại xã Đô Thành (Ảnh: Reuters)
Ông Diệp giờ sống trong một căn lán nhỏ ở Đô Thành, trong khi ông C., một người em họ của ông, lại sống trong một biệt thự rộng lớn ở bên cạnh, nơi có đủ không gian để đỗ chiếc BMW màu đen của mình.
Ông C. rời Đô Thành sang Anh vào năm 2007, và khi về nước, ông xây nhà mới và chuyển sang buôn bán thép.
“Tôi chọn đi Anh vì tiền lương cao, và rất nhiều người từ Đô Thành cũng đang sống ở đó," ông C. cho biết với Reuters.
Ở Anh, ông C. từng làm việc trong một trang trại cần sa, và một tiệm làm móng do người Việt điều hành, nơi ông nói đã kiếm được tới 500 bảng Anh (tương đương 15 triệu đồng) vào mỗi tuần.
“Cộng đồng người Việt sống ở đó cưu mang những người mới sang tìm việc làm,” ông Chung nói, “Đó là lý do vì sao nhiều người ở quê sẵn sàng bán đất để kiếm đủ tiền đi Anh.”
Ngôi làng cung cấp một “cái nhìn chân thật” về một thế giới đã không còn, theo các nhà khảo cổ.