Cảnh sát Anh hôm 2/11 tuyên bố họ tin rằng 39 thi thể trên xe container đều là người Việt
Hôm 2/11 (giờ Việt Nam), cảnh sát Anh tuyên bố họ tin rằng toàn bộ 39 thi thể trên xe container được phát hiện ở hạt Essex, Anh, hôm 23/10 đều là người Việt.
"Ở thời điểm này, chúng tôi tin rằng toàn bộ nạn nhân là người Việt và cảnh sát đang liên hệ với chính phủ Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi chưa thể công bố danh tính của bất cứ nạn nhân nào trong vụ việc", BBC dẫn lời Phó cảnh sát trưởng Tim Smith, người phụ trách điều tra vụ việc, cho hay.
Việc chưa thể công bố danh tính nạn nhân trong vụ việc khiến các gia đình Việt Nam nghi có người thân nằm trong số các thi thể "đứng ngồi không yên".
"Tôi rất nhớ con. Nhưng cuộc đời là thế. Chúng tôi phải chấp nhận hy sinh để có cuộc sống tốt hơn. Con trai tôi là đứa hiếu thảo. Nó muốn đi nước ngoài kiếm tiền để chăm lo đủ đầy khi chúng tôi già yếu", tờ AP dẫn lời ông Hoàng Văn Lánh, bố của Hoàng Văn Tiệp, 18 tuổi, nghi là một trong số 39 thi thể trên xe container ở Anh.
Gia đình và người thân Hoàng Văn Tiệp, người nghi là một trong số 39 thi thể trên xe container ở Anh
Cha mẹ Tiệp sống trong một căn nhà gạch được xây từ 3 năm trước tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Bà Hoàng Thị Ái, mẹ Tiệp, khóc hết nước mắt kể từ lúc nhận tin dữ. Nhiều người thân, họ hàng cũng tập trung tại căn nhà để động viên, an ủi gia đình. Người mẹ đau khổ này đi đâu cũng mang theo điện thoại với hy vọng con trai còn sống và gọi điện về.
Những dòng tin nhắn có thể là cuối cùng của Tiệp để lại hôm 22/10, một ngày trước khi giới chức Anh phát hiện chiếc container chứa 39 thi thể, nói rằng thanh niên này "đang trên đường" tới Anh và nhờ gia đình thu xếp khoảng 13.600 USD để trả cho những kẻ điều hành đường dây buôn người trái phép vào Anh.
Theo AP, các gia đình thường trả một nửa khoản phí cho những kẻ buôn người và phần còn lại sẽ được trả khi người thân của họ tới được địa điểm cần đến. Gia đình Tiệp không bị những kẻ buôn người đòi nửa số tiền còn lại. Điều này càng khiến ông Lánh, bà Ái thêm lo lắng về số phận của cậu con trai.
Bà Hoàng Thị Ái,mẹ của Tiệp, vẫn mong ngóng tin con
Bà Ái cho biết Tiệp bỏ học từ năm lớp 9 để phụ giúp gia đình vì hoàn cảnh quá khó khăn. "Tiệp hay đi đánh cá cùng bố để giúp gia đình nhưng số tiền bán cá chẳng đáng bao nhiêu. Vì học hành không tới nơi tới chốn nên nó không tìm được việc. Đó là lý do con trai tôi quyết định ra nước ngoài", bà Ái ngậm ngùi nói.
Gia đình Tiệp vay mượn số tiền khoảng 17.500 USD từ ngân hàng để trả cho những kẻ buôn người đưa Tiệp sang Pháp năm 2017, khi ấy thanh niên này mới 16 tuổi. Chuyến hành trình từ Việt Nam tới Nga rồi từ Nga qua Đức, Pháp mất 20 ngày. Tiệp làm nghề rửa bát thuê cho nhiều nhà hàng ở Pháp và gửi tiền về nhà để trả nợ. Nhưng tới hôm nay, số nợ vẫn còn khoảng 4.500 USD.
Tiệp nói với cha mẹ rằng công việc ở Pháp không mấy tiến triển nên muốn sang Anh để kiếm được công việc trả lương cao hơn tại một quán làm móng. Tiệp nhờ bố mẹ vay mượn thêm ở nhà để trả tiền phí di chuyển cho bọn buôn người và nói rằng nếu mọi chuyện thuận lợi sẽ có đủ tiền gửi về nhà trả nợ.
Ông Lánh chia sẻ với phóng viên AP rằng gia đình đã chuẩn bị tâm lý cho điều tồi tệ nhất
"Nó bảo với tôi rằng sẽ được đi ô tô nhưng không thể ngờ những kẻ buôn người lại nhồi nhét nó vào thùng container. Nếu biết vậy, tôi sẽ không cho nó đi. Tôi vẫn hy vọng nó không có ở trên chiếc xe đó dù biết là hy vọng mong manh. Gia đình tôi cũng chuẩn bị tâm lý cho điều xấu nhất. Nếu điều đó xảy ra, tôi mong sớm đưa được thi thể con về nước để gia đình lo hậu sự", ông Lánh cay đắng nói.
Sống cách nhà Tiệp vài trăm mét là gia đình của người anh em họ Nguyễn Văn Hùng, 30 tuổi, người cũng được cho là nạn nhân vụ 39 thi thể trên xe container ở Anh. Gia đình cũng mất liên lạc với Hùng từ hôm 22/10.
Theo AP, Hùng là một giáo viện dạy nhạc nhưng đồng lương không đủ để sinh sống tại thành phố nơi anh làm việc nên anh quyết định đi nước ngoài với hy vọng đổi đời.
"Con trai tôi muốn đi nước ngoài để kiếm tiền nuôi bố mẹ vì cả hai vợ chồng tôi đều có bệnh và không thể làm việc nặng nhọc. Tôi thực sự không muốn nó đi nhưng nó giấu tôi và âm thầm rời Việt Nam", ông Nguyễn Thành Lê, bố Hùng, chia sẻ.
Người đàn ông 30 tuổi tời Việt Nam tới Pháp năm 2017 và làm công việc bồi bàn tại nhiều nhà hàng.
Chị của Tiệp thẫn thờ ngóng tin về em trai
Chuyến đi hàng nghìn km tới Tây Âu vô cùng nguy hiểm, nhất là với phụ nữ và trẻ em.
"Nguy cơ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại tình dục trên đường đi là rất cao. Nếu bạn là phụ nữ và phải ở chung với một số lượng lớn nam giới trên chặng đường vô cùng dài, bạn nghĩ điều gì có thể xảy ra với mình? Nếu những kẻ buôn người nghĩ chúng có thể kiếm tiền từ bạn, chúng nhất định không bỏ qua", Mimi Vu, một nhà hoạt động chống nạn buôn người ở Việt Nam, chia sẻ.
Ngoài ra, số tiền phí khổng lồ trả cho bọn buôn người khiến những người nhập cư rơi vào tình trạng tù túng.
Họ thường phải trả khoảng 40.000 đến 50.000 USD để được nhập cư trái phép vào Anh. Nếu may mắn trót lọt qua Anh, mọi chuyện vẫn chưa xong khi họ bị khấu trừ nợ vào số tiền lương ít ỏi. Trả được hết nợ phải mất rất nhiều năm, Vu nói.
Có nhiều cách hợp pháp và an toàn cho người Việt Nam nếu muốn ra nước ngoài kiếm việc. Họ vẫn phải bỏ ra số tiền lớn (khoảng 3.000 - 5.000 USD) nhưng nó rẻ hơn rất nhiều so với việc thỏa thuận cùng bọn buôn người.
"Một số người muốn giàu nhanh nên dễ mắc bẫy của bọn buôn người khi mời chào về mức lương cao ngất và điều kiện sống ở Anh. Vấn đề là nhiều người Việt không nhận ra họ là nạn nhân. Họ nghĩ rủi ro là tất yếu để đạt được thành công và chấp nhận điều đó", Vu phân tích.
Tờ BBC (Anh) dẫn tin từ cảnh sát Anh cho biết toàn bộ 39 thi thể được tìm thấy trên xe container ở hạt Essex đều là người...