Ông Nguyễn Văn Phước cho biết: “Chổ hẹp quá nên để tôi mới chăn nuôi trong nhà, nó khỏe mạnh thì mình cho ăn bình thường, tắm rửa hằng ngày thì nó mau tốt. trăn rừng đụng nó thì nó táp chứ Ttăn thịt thường thì nó hiền. Tôi cũng khoái nuôi nên nuôi nó liên tục hằng năm. Trăn thịt nó cũng hiền lắm, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thì nó tốt thôi, lâu lâu có bệnh thì mình chích thuốc”.
Ông Phước đang chăm sóc một con trăn to, bự.
Bí quyết nuôi trăn an toàn của ông Phước không gì khác hơn là vệ sinh chuồng trại đều đặn, sạch sẽ. Mỗi ngày trăn ăn đầy đủ thức ăn có trong thiên nhiên như đầu gà, chuột và thịt sống. Trăn nuôi được thuần dưỡng lâu ngày và nhốt kín trong lồng lưới chắc chắn nên không gây nguy hiểm.
Từ khi phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở tỉnh An Giang được đẩy mạnh. Ông Nguyễn Văn Phước đã chọn hướng nuôi trăn sinh sản để góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Sau 2 năm nuôi dưỡng, trăn lớn nhanh có thể phối giống để sinh sản, mỗi năm anh Phước cho trăn cái đẻ một lần, mỗi lần một con.
Trăn đẻ ít nhất 60 trứng và ấp nở thành con sau 55 ngày. Theo anh Phước, trăn là con vật cũng rất dễ nuôi, dễ kiếm nguồn thức ăn, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, ít bệnh lại nhẹ công chăm sóc. Với giá bán 100 ngàn đồng một trăn con, nhiều năm qua cuộc sống gia đình ông Phước ổn định hơn và dư tiền nuôi con ăn học.
Nói về mô hình chăn nuôi hiệu quả này, ông Phan Văn Tông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân có nhận xét: “Lúc đầu nuôi trăn thương phẩm bán với giá ba trăm ngoài một ký, từ đó thấy hiệu quả kinh tế nên ông Phước để lại nhân giống. Đến nay đàn trăn của ông có 7 con trăn sinh sản, mỗi một con mỗi năm đẻ một lần, bình quân khoảng 60 trăn con/con. Hiện nay giá bán một con trăn con là 100 ngàn đồng. Như thế mô hình nuôi trăn của ông Phước phải nói là hiệu quả. Từ hiệu quả thì ảnh mới có điều kiện nuôi con ăn học ở nước Nhật”.
Không có đất làm chuồng trại nên việc nuôi trăn trong nhà của ông Nguyễn Văn Phước cũng bất tiện, tuy nhiên vì mưu sinh hiện người đàn ông này đành chấp nhận cảnh sống chung với bầy trăn, và về lâu dài cần lắm sự hỗ trợ của nhà nước để công việc chăn nuôi thuận lợi hơn, góp phần cải thiện cuộc sống và đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.