Dự án thủy điện dòng chính Luông Prabang nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, thuộc tỉnh Luông Prabang. Vị trí dự kiến xây dựng công trình nằm tại km 2.036 cách biên giới Việt Nam 1.785 km. Các thông số chính của công trình, bao gồm: diện tích lưu vực 231.329 km2, tổng dung tích hồ chứa 1.256 triệu m3, công suất thiết kế 1.460 MW và sản lượng điện hằng năm là 6.622 GWh, được dự kiến sẽ bán sang Thái Lan hoặc Việt Nam.
Chủ đầu tư của Dự án thủy điện dòng chính Luông Prabang là Công ty TNHH Năng lượng Luông Prabang (Lào), bao gồm 2 cổ đông là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (góp 38% vốn chủ sở hữu) và Công ty TNHH PT của Lào nắm giữ 37%. Chính phủ Lào sở hữu 25% vốn. Dự kiến sau quá trình tham vấn trước (tháng 4/2020), công trình thủy điện trên sẽ được khởi công xây dựng ngày 1/7/2020 và hoàn thành phát điện vào quý III năm 2027.
Quang cảnh hội thảo sáng 4/11, tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Tú
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành - Phó Chủ tịch Thường trực UBSMK Việt Nam cho biết: “Hiện nay ở vùng thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 11 công trình thủy điện. Tại vùng hạ lưu sông Mê Kông, các nước Campuchia, Lào và Thái Lan cũng đang có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính. Đến nay, Lào đã sắp hoàn thành xây dựng 2 công trình là Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông. Và, Lào đã tham vấn vùng cho 2 công trình thủy điện khác là Pắc-Beng và Pắc-Lay”.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Công Thành, phát triển thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông, đặc biệt là thủy điện dòng chính, luôn là chủ đề nóng, đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm…
Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành chủ trì hội thảo. Ảnh: Nguyễn Tú
Đồng thời, cũng gây ra nhiều mối quan ngại đối với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học và cộng đồng người dân - đặc biệt là người dân sinh sống tại ĐBSCL, về các tác động tiêu cực do các công trình thủy điện gây ra.
Khác với các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Kông trước đây, công trình thủy điện Luông Prabang của Lào sẽ có sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam, nên càng thu hút nhiều hơn sự quan tâm và chú ý của dư luận xã hội.
Việc tham gia đầu tư của Việt Nam trong Dự án thuỷ điện Luông Prabang của Lào đã được cân nhắc trong thời gian dài. Điều này thể hiện sự cẩn trọng và toàn diện của Việt Nam trong xem xét mọi khía cạnh đối với phát triển thuỷ điện dòng chính sông Mê Kông. Dự án thuỷ điện Luông Prabang sẽ được tuân thủ theo các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế.
Người dân ĐBSCL sẽ chịu tác động từ xây dựng thuỷ điện trên dòng Mê Kông. Ảnh: T.L
Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng: “Quyết định đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào công trình thủy điện Luông Prabang của Lào sẽ giúp chúng ta có thể chủ động hơn trong việc tham gia ngay từ đầu vào quá trình lựa chọn phương án thiết kế, thi công và vận hành công trình trên cơ sở điều tiết đa mục tiêu. Qua đó, góp phần giảm thiểu được tác động của không chỉ công trình thủy điện này mà còn của tổ hợp các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông”.
Tham vấn về công trình tại hội thảo, các đại biểu cho rằng: ĐBSCL đã, đang và sẽ phải gánh chịu các tác động không nhỏ, từ các hoạt động phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Kông. Đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu về tài nguyên nước trong lưu vực ngày càng tăng mạnh, ảnh hưởng của biến đổi, nhiều hiện tượng như sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng đã xuất hiện từng ngày, từng giờ đe dọa đời sống và hoạt động sản xuất của người dân vùng ĐBSCL.
Các đại biểu đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đối với Kế hoạch tham vấn quốc gia cho Dự án thủy điện Luông Prabang của Lào. Trong đó, công trình thủy điện Luông Prabang trước khi xây dựng phải được đánh giá đầy đủ các tác động tới dòng chảy, hệ sinh thái của hệ thống sông Mê Kông, đặc biệt là những ảnh hưởng của công trình thủy điện này đối với khu vực ĐBSCL.