Tình trạng này không chỉ khiến diện tích sầu riêng tăng đột biến mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cung vượt cầu, dẫn đến rớt giá.
Cụ thể tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) xưa nay nổi tiếng với cây hồ tiêu, nhưng 3 năm trở lại đây, giá hồ tiêu rớt chạm đáy, người nông dân thua lỗ. Nhiều bà con đã chặt bỏ vườn hồ tiêu để chuyển qua trồng sầu riêng.
Điển hình như gia đình anh Lê Văn Tình có 2ha cây hồ tiêu, nhưng anh đã chặt bỏ 1ha để trồng 120 gốc cây sầu riêng. Anh Tình cho biết: “Gia đình tôi mới chuyển đổi qua 1ha cây sầu riêng, giá cả sau này chưa biết ra sao, nhưng trước mắt thấy giá tiêu thấp quá nên tôi muốn chuyển đổi qua trồng cây sầu riêng”.
Ngành nông nghiệp Đồng Nai khuyến cáo nông dân chỉ phát triển sầu riêng trong vùng có điều kiện thích hợp
Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp Đồng Nai khuyến cáo người dân không ồ ạt tăng diện tích sầu riêng, chỉ trồng loại cây này tại những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp; không chặt bỏ những loại cây đang thu hoạch, có hiệu quả kinh tế.
Trước đây, tại Đồng Nai, sầu riêng chủ yếu được trồng ở thị xã Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ nhưng nay đã phát triển ở các địa phương khác như huyện Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất… Hầu hết diện tích sầu riêng trồng mới tập trung ở 3 huyện này và người dân thường chặt bỏ cà phê, điều, tiêu để trồng sầu riêng, làm tăng khả năng đẩy giá sầu riêng xuống thấp.
Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai chia sẻ, việc người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế là tốt. Nhưng khi người dân ồ ạt trồng có thể khiến nguồn cung sầu riêng tăng cao, gây dư thừa và có nguy cơ rớt giá.
Ngành nông nghiệp Đồng Nai khuyến cáo nông dân chỉ phát triển sầu riêng trong vùng có điều kiện thích hợp; nên chọn cây giống có nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn, giống có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.