Tên lửa lớn gắn dưới bụng oanh tạc cơ H-6N.
Theo Sputnik, tạp chí quân sự Trung Quốc chỉ nói rằng ngay dưới bụng oanh tạc cơ chiến lược H-6N có thể gắn “một vật thể lớn”. Nhưng giới quan sát nhận định tên lửa xuất hiện trong bức ảnh chính là mẫu tên lửa đạn đạo Dong Feng-15 (DF-15).
DF-15 là mẫu tên lửa đã được đưa vào biên chế Lực lượng Tên lửa Chiến lược Trung Quốc. Tên lửa có thể mang theo đầu đạn nặng 600kg hoặc đầu đạn hạt nhân, tầm bắn 700km. Khi được trang bị trên chiến đấu cơ, mẫu tên lửa này có thể sẽ phải giảm trọng lượng và cả kích thước đầu đạn.
Báo Nga hồi tháng 5 nhắc đến tham vọng xây dựng bộ 3 răn đe hạt nhân của Trung Quốc, trong đó bao gồm tên lửa đạn đạo phóng từ trên không. Chỉ một vài quốc gia hiện sở hữu bộ 3 hạt nhân, bao gồm Nga và Mỹ.
Trung Quốc có thể đang phát triển khả năng trang bị tên lửa đạn đạo trên máy bay.
Nga là quốc gia duy nhất hiện trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal cho tiêm kích MiG-31. Mỹ từng có kế hoạch trang bị tên lửa đạn đạo trên chiến đấu cơ nhưng không phát triển thêm, vì cho rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ hầm ngầm là đủ khả năng răn đe hạt nhân.
Ngay từ khi oanh tạc cơ H-6N lộ diện hồi tháng 9, giới quan sát đã nhận thấy đây không phải là phiên bản máy bay ném bom thông thường, khi được trang bị thêm các giá đỡ bên ngoài và giảm bớt hoặc loại bỏ khoang chứa bom.
Ngoài khả năng phóng tên lửa đạn đạo, oanh tạc cơ chiến lược của Trung Quốc còn có thể mang theo các mẫu tên lửa chống hạm uy lực. Không loại trừ khả năng Trung Quốc đang phát triển thêm phiên bản phóng từ trên không cho mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21.
Đây là một phần trong chiến lược đối phó sức mạnh hải quân Mỹ của Trung Quốc, khi oanh tạc cơ H-6N có thể đem tên lửa đạn đạo đến gần mục tiêu hơn mà không phụ thuộc vào xe phóng.
Vừa qua Trung Quốc đã công khai tên lửa Đông Phong-17 (DF-17) tại Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc 2019....