Dân Việt

Thái Nguyên: Thu lãi gấp đôi từ trồng chè an toàn VietGAP

Hà Thanh 10/11/2019 16:30 GMT+7
Sau 3 năm thay đổi cách nghĩ cách làm, chuyển sang sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ dân tham gia mô hình sản xuất chè an toàn ở thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã có thu nhập cao gần gấp đôi so với trồng chè truyền thống, thu lãi khoảng 250 triệu đồng/ha.

Mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai vào năm 2017 tại thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên trên quy mô 50ha với 150 hộ dân tham gia. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mô hình này đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng thực hiện dự án.

Một ngày đầu tháng 11, PV Dân Việt có dịp đến thăm đồi chè bạt ngàn xanh mướt của gia đình anh Nguyễn Thanh Bình, một trong những hộ tham gia mô hình sản xuất chè an toàn ở xóm 9, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

img

Đồi chè xanh mướt của gia đình anh Nguyễn Thanh Bình, xóm 9, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) sản xuất theo mô hình chè an toàn với quy mô gần 1ha

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Bình cho biết: “Gia đình tôi đã trồng chè từ nhiều năm nay. Tuy nhiên trước đây chủ yếu sản xuất theo cách truyền thống nên chất lượng và năng suất cây chè không được cao. Nhưng từ khi áp dụng mô hình này trong sản xuất chè thì năng suất cây chè cao hơn hẳn, chất lượng cũng được cải thiện đáng kể”.

Hiện tại, gia đình anh Bình đang thực hiện sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap trên diện tích gần 1ha. Theo anh Bình, việc sản xuất chè theo hướng an toàn có nhiều ưu điểm nổi bật. Đó là xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ chè, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm nên cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao hơn.

img

Theo anh Bình, so với phương pháp sản xuất chè truyền thống thì sản xuất chè theo hướng an toàn có nhiều ưu điểm hơn hẳn

"Trước đây khi sản xuất chè theo phương pháp truyền thống, gia đình tôi thường phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo thói quen, không quan tâm đến mức độ gây hại, không đảm bảo thời gian cách ly nên sản phẩm chè thiếu an toàn. Từ khi thực hiện mô hình này, việc quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh được thực hiện theo đúng nguyên tắc nên đã hạn chế được sâu bệnh phát sinh làm ảnh hưởng đến năng suất chất lượng chè mà số lần phun thuốc lại chỉ bằng một nửa so với trước kia," anh Bình cho biết. 

Anh Bình chia sẻ, quy trình sản xuất chè an toàn được thực hiện theo các bước nghiêm ngặt. Trước khi trồng chè cần bón lót 100% phân chuồng, phân lân, phân hữu cơ vi sinh và 30% phân đạm, 30% kaly. Số phân đạm và kaly còn lại được chia đều bón vào tháng 4 và tháng 8 trong năm, phân sinh học được phun đều sau mỗi lứa hái.

Đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện theo đúng yêu cầu của dự án, ưu tiên nhóm thuốc sinh học và thảo mộc phun trừ khi đến ngưỡng phòng trừ và phải đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch chè. Trung bình sẽ thu hoạch khoảng 8 lứa/năm, thời gian để thu hoạch lứa chè đầu tiên sau khi đốn là từ 40 – 45 ngày, thời gian thu hoạch các lứa vụ hè thu cách nhau từ 30 – 31 ngày và thời gian thu hoạch các lứa vụ đông cách nhau khoảng 40 – 45 ngày.  

img

Ngoài việc tự thu hái thì gia đình anh Bình phải thuê thêm người hái. Mỗi tháng gia đình anh thu từ 60 - 70 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí anh thu lãi khoảng 20 – 25 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Kim Đương – Cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết, đây là mô hình do trung tâm ký hợp đồng liên kết xây dựng với HTX chè Thịnh An. Sau 3 năm triển khai, nhận thấy lợi ích và hiệu quả mà mô hình này mang lại, nhiều hộ dân ngoài mô hình đã tự nguyện học tập và làm theo. Với việc thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn đã giúp người dân nâng cao nhận thức và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap.

Mô hình này giúp các hộ dân tăng cường sử dụng nguồn phân hữu cơ sẵn có, hạn chế việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho chè. Từ đó góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, kiểm soát được hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất. Năm 2019 năng suất chè búp tươi đã tăng từ 8,6 tấn lên 11,4 tấn/ha/năm. Nếu bán chè tươi thì tổng thu của 1ha chè sau khi đã trừ chi phí trung bình đạt 276,9 triệu đồng/năm, cao hơn khoảng 133 triệu đồng so với trước khi thực hiện mô hình.

img

Những búp chè xanh non mơn mởn đang đến độ thu hoạch được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Toàn bộ sản phẩm chè của các hộ dân tham gia mô hình sau khi thu hoạch sẽ được HTX chè Thịnh An thu mua và tiêu thụ với giá cao hơn giá thị trường khoảng 15%. Hiện nay, sản phẩm chè xanh của mô hình đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Malaysia với giá bán trung bình từ 300.000 – 1.100.000 đồng/kg. Còn đối với chè búp khô ở thời điểm hiện tại có giá bán dao động ở mức 200.000 – 250.000 đồng/kg. Như vậy, trung bình mỗi hecta chè người dân thu lãi trên dưới 250 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với trồng chè theo cách truyền thống trước đây.