Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của ĐB Tô Văn Tám (trái) về tình trạng giá cả nông sản bấp bênh. (Ảnh: P.V)
Đừng bón phân thục mạng để tăng sản lượng
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) về tình trạng giải cứu nông sản, giá cả nhiều loại nông sản chủ lực như tiêu, cà phê giảm sâu trong thời gian dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Nếu không cải thiện được khâu chế biến, thì không dập được chuyện hôm nay được, ngày mai mất. Không ai dự báo được ngày mai giá thế nào".
Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, trong khi sức sản xuất của người dân vô cùng lớn, tạo ra khối lượng hàng hóa nông sản khổng lồ thì khâu chế biến và tổ chức thương mại đang để lộ nhiều bất cập.
“Nếu không cải thiện được khâu chế biến, thì không dập được chuyện hôm nay được, ngày mai mất. Nền kinh tế thị trường rất khó, không ai dự báo được giá cả như thế nào, ngay cả giá vàng, dầu thô cũng lên xuống. Vì vậy, phải tổ chức sản xuất theo mệnh lệnh của thị trường, sản xuất cái thị trường cần” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Riêng đối với cây tiêu, cà phê đang phải chịu tình trạng mất giá trong thời gian dài, riêng giá cà phê giá thấp đến 10 năm nay, Bộ trưởng cho rằng, đã có tình trạng quá nóng về diện tích, dẫn đến dư thừa. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa.
“Trách nhiệm của bộ với các ngành, chúng tôi đã bàn kỹ, tới đây tập trung chế biến. Thứ hai, tổng rà soát lại, phát triển các ngành lợi thế. Như cây tiêu chỉ dừng đến mức nào thôi, không để vọt lên 150.000 ha trong khi quay hoạch đến năm 2020 chỉ có 55.000 ha. Diện tích không hiệu quả, kém canh tác phải nhường chỗ cho cây khác. Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đẩy mạnh chế biến sâu, riêng với cây tiêu, sắp tới sẽ có 10 chuỗi sản phẩm, kể cả dầu hạt tiêu” - ông Cường nhấn mạnh.
Đối với cây cà phê, Bộ trưởng cho rằng: "Thế giới đang khủng hoảng về cung - cầu, diện tích cà phê già cỗi thì cải tạo lại, không gì bằng đẩy mạnh chế biến, hiện mới có 12% đưa vào chế biến nhưng đem lại giá trị 20%, không để tình trạng trào ứ ở một thời điểm; đẩy mạnh sản xuất an toàn không thể bón phân thục mạng để tăng sản lượng".
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn. Ảnh: QH.
Bí thư, Chủ tịch tỉnh ra tận sân bay mời đón doanh nghiệp
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) tiếp tục đặt vấn đề đời sống người dân Tây Nguyên khó khăn là do giá thành sản phẩm bấp bênh và kiến nghị bộ trưởng đề xuất giải pháp cho tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận dù có nhiều chính sác hỗ trợ, cuộc sống của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. Một thực tế do họ xản xuất bấp bênh, kém hiệu quả.
“Những năm qua, Gia Lai rất tích cực trong việc mời gọi các doanh nghiệp vào chế biến, Bí thư, Chủ tịch tỉnh mời rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí, họ ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp. Chính vì vậy, kết quả đầu tư rất khả quan, đã có một nhà máy hình thành, thậm chí vì sự mời gọi nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp cảm động nên quyết định đầu tư thêm một nhà máy nữa" - Bộ trưởng nêu thực tế.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định việc này là trách nhiệm của bộ nên bộ sẽ cùng địa phương có chính sách để sớm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở vùng Tây Nguyên.
Trước đó, trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần. Số lượng từ khoảng 3.000 doanh nghiệp/năm, nay đã tăng gấp 3 lên khoảng 9.000 doanh nghiệp/năm.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trải đều khắp vùng miền và các lĩnh vực, từ sản xuất trực tiếp, chế biến, đến tổ chức thương mại. Tuy nhiên, số lượng tăng nhưng vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu. "11.800 doanh nghiệp nông nghiệp và hơn 40.000 doanh nghiệp hỗ trợ vẫn còn ít, cần thiết phải tăng số lượng doanh nghiệp để làm hạt nhân cho 8,6 triệu nông dân” - ông Cường nói.
Về giải pháp căn cơ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói dù số doanh nghiệp tăng lên 3 lần nhưng số tuyệt đối còn rất thấp. Ông kỳ vọng vào việc sắp tới thông qua luật đầu tư công - tư (PPP) để huy động vốn đầu tư. Bởi thực tế hiện doanh nghiệp thiếu điều kiện, nếu có khuôn khổ pháp lý tốt, đặc biệt hướng PPP sẽ tiếp làn sóng đầu tư vì nông nghiệp dù khó khăn nhưng còn dư địa và thể hiện khát vọng của doanh nghiệp.
Đại biểu Châu Chắc (đoàn An Giang) chất vấn về giá lúa gạo.
Nông sản Việt phải hướng đến thị trường nội địa 100 triệu dân
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) hỏi sản phẩm cá ngừ đại dương là sản phẩm chất lượng có giá trị xuất khẩu của Việt Nam, nếu làm tốt khâu bảo quản sẽ nâng cao hiệu quả kim ngạch của sản phẩm này. Để sản phẩm này là xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ông hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì hỗ trợ ngư dân bảo quản tốt sản phẩm nào?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh hiện nay cá ngừ là sản vật khai thác ở vùng biển của ta, đã có giá trị xuất khẩu lên đến 650 triệu USD. “Đây là sản phẩm rất có giá trị, tôi đồng ý với đại biểu nếu có giải pháp thì sẽ còn cho giá trị cao hơn”, ông Cường nói.
Nêu một mô hình làm tốt ở Khánh Hòa, nhưng theo Bộ trưởng Cường, mô hình tiên tiến chưa được áp dụng đại trà. Nếu làm tốt chúng ta có thể nâng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba giá trị xuất khẩu của cá ngừ. Ông nhấn mạnh cần tập trung vấn đề công nghệ chế biến và liên kết tổ chức sản xuất, như ở Khánh Hòa có liên kết của ngư dân với 145 tàu, khi đánh bắt được cá ngừ sẽ có tàu chở về để chế biến ngay. Bộ trưởng Cường cho rằng cần tổ chức chuỗi khai thác trên biển, tập trung công nghệ chế biến và phát triển thị trường.
“Đi đôi với mở rộng thị trường xuất khẩu, hãy nhớ phục vụ thị trường 100 triệu dân của Việt Nam vì chúng ta có quyền ăn những sản vật ngon”, ông Cường nói và cảm ơn đại biểu đã hỏi câu hỏi này để Bộ nhìn thấy vấn đề, từ đó sẽ có giải pháp chú trọng hơn.