Dân Việt

Sự thật phía sau lá bài "vớt vát" của Trump ở Syria

Đại sứ Trần Đức Mậu 06/11/2019 14:59 GMT+7
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã thực hiện quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria. Quyết sách này được coi là bước điều chỉnh chiến lược quan trọng nhất của Mỹ đối với Syria và khu vực nói chung.

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhưng gần như ngay sau đấy, phía Mỹ lại cho biết vẫn duy trì một lực lượng binh lính và khí tài nhất định để bảo vệ một số khu vực khai thác dầu lửa ở Syria (giếng dầu), có nghĩa là Mỹ không rút hết binh lĩnh và khí tài ra khỏi Syria.

Khi xưa, Mỹ đưa quân đội đến Syria với lý do biện minh là để đối phó tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS). Bây giờ, Mỹ đã nhiều lần tuyên bố IS đã bị đánh tan ở Iraq và Syria. Mới đây, Mỹ còn đã truy sát thành công thủ lĩnh của IS Abu Bakr al-Baghdadi.

Khi công bố và thực hiện quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria, ông Trump không hề đề cập gì đến nhu cầu của Mỹ về bảo vệ một số giếng dầu ở Syria. Cho nên, việc phía Mỹ "đã bước chân đi nhưng lại quay ngược" này có nguyên do chính ở chỗ khác.

Nguyên do là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã mau lẹ nắm bắt cơ hội cùng nhau dàn xếp cục diện an ninh và ổn định hiện tại cũng như tương lai chính trị ở Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp nhau ở Sochi (Nga) và đã đạt được thoả thuận về sự dàn xếp ấy mà trong đó đương nhiên không còn có vai trò gì nữa của Mỹ và cũng chẳng dự định chia phần nào nữa cho Mỹ.

Ông Trump có lợi ích thiết thực và nhu cầu cấp thiết riêng với việc thực hiện cam kết chấm dứt các cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan và Syria cũng như rút quân đội Mỹ ra khỏi hai nước này nhưng quyết sách liên quan của ông Trump lại gây ra áp lực không hề nhỏ đối với ông Trump từ chính trường nước Mỹ cũng như từ phía các đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi, vùng Vịnh và châu Âu.

Cho nên ông Trump mới buộc phải vớt vát bằng cách để một lực lượng nhất định của quân đội Mỹ hiện diện ở Syria và vì bây giờ không thể viện dẫn lại những lý do, mục đích xưa nên phải nghĩ ra lý do và mục đích mới, cụ thể là bảo vệ một số giếng dầu ở Syria. Không có Mỹ thì có những bên khác ở Syria bảo vệ an ninh cho các giếng dầu ấy trước nguy cơ bị tấn công bởi các lực lượng khủng bố hay phiến binh của IS. Mỹ cũng đâu có cần nguồn dầu lửa cung ứng từ những giếng dầu này của Syria để đảm bảo an ninh năng lượng cho Mỹ.

Vả lại, với số lượng binh lính và vũ khí hạn chế như thế, Mỹ trên thực tế không thể đảm bảo an ninh được cho những giếng dầu này một khi bị ai đó tấn công hay khủng bố. Sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với phía chính phủ Syria dàn xếp với nhau cục diện tình hình chính trị an ninh và phân chia vùng kiểm soát trên thực tế ở Syria, Mỹ phải vội vàng bấu víu vào lý do ấy để duy trì sự hiện diện quân sự tiếp tục ở Syria để trước hết vẫn có được tiếng là vẫn còn hiện diện quân sự ở Syria, từ đó để ngỏ khả năng tăng hay giảm mức độ hiện diện ấy trong tương lai, tức là buộc Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Syria không thể làm ngơ, phớt lờ hay bất chấp Mỹ và vẫn phải dành vai trò và giữ phần cho Mỹ trong tương lai chính trị của Syria. Đấy cũng còn là cách giúp ông Trump xoa dịu được lo ngại và hậm hực ở các đồng minh và đối tác chiến lược mà giảm thiểu được tối đa rủi ro về chính trị, quân sự cũng như an ninh ở Syria.

Việc Mỹ vớt vát như thế ở Syria nếu không có lợi thì cũng chẳng hại gì cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nó ảnh hưởng trực tiếp đến mưu tính hiện tại và lợi ích chiến lược lâu dài của Nga và chính phủ Syria nên họ không thể không phản đối và đối phó. Mức độ tác động và ảnh hưởng của động thái này của Mỹ tới triền vọng diễn biến tình hình ở Syria đến đâu phụ thuộc rất quyết định vào việc Nga và chính phủ Syria thành công đến đâu trong việc bình ổn tình hình ở Syria. Nhưng điều hiện có thể chắc chắn được là Mỹ chỉ có thể vớt vát được phần nào thôi chứ khó có thể khôi phục được hoàn toàn vai trò, ảnh hưởng và vị thế đã từng có ở Syria.