Triệu phú người Mỹ Dennis Tito vừa tiết lộ kế hoạch táo bạo của mình. Theo đó, hai nhà du hành vũ trụ sẽ không đặt chân lên hành tinh Đỏ, hay thậm chí là vào quỹ đạo, mà chỉ bay ngang qua rồi trở về, Tito nói toàn bộ nhiệm vụ sẽ mất 501 ngày, nhờ vào một sự trùng hợp hiếm thấy trong chuyển động của các hành tinh.
Trong khi đó, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đặt mục tiêu đưa người lên sao Hỏa trong những năm 2030 và trong ngắn hạn sẽ tiếp tục gửi các robot, như tàu thăm dò Curiosity lên hành tinh này.
Dennis Tito là khách du lịch vũ trụ đầu tiên trên thế giới |
Dự án phi lợi nhuận Inspiration Mars (Cảm hứng sao Hỏa) của Tito, ngược lại, bắt đầu từ số không, chưa có tàu và chưa có nguồn ngân quỹ rõ ràng. Tuy nhiên, đó là một sứ mệnh “có thể đạt được” theo lời quả quyết của Taber MacCallum-Giám đốc kỹ thuật của quỹ và người đứng đầu Công ty phát triển không gian Paragon.
“Các chuyên gia đã đánh giá rủi ro, cơ hội và lên một thời khóa biểu rất tích cực, tìm kiếm công nghệ và các hệ thống cần thiết để lắp đặt, thử nghiệm và chuẩn bị cho chuyến bay.”
Với việc bỏ qua công tác hạ cánh, sứ mệnh này đỡ phức tạp và rủi ro hơn. Một nhiệm vụ như vậy có thể tiêu tốn từ 1-2 tỉ USD, theo Robert Zubrin-Chủ tịch Hội sao Hỏa, một nhóm những nhà vận động cho việc khai phá và định cư trên hành tinh này.
Inspiration Mars nói họ không muốn xin tiền của NASA mà sẽ gây quỹ thông qua “các nhà tài trợ tư nhân, thiện nguyện”. Trong một tuyên bố, quỹ này nói họ sẽ là “nhà thầu chính” của sứ mệnh, đảm nhận từ kỹ thuật, chuyên gia tới các kỹ năng cần thiết từ nhiều công ty và cá nhân.
“Khám phá vũ trụ có vai trò trọng đại trong sự phồn vinh và phát triển tương lai của chúng ta,” Dennis Tito nói. “Đây là một sứ mệnh cho nước Mỹ sẽ tạo ra kiến thức, kinh nghiệm và động lực cho thời kỳ khám phá vũ trụ vĩ đại tiếp theo.”
NASA hoan nghênh tuyên bố của nhà tỷ phú 72 tuổi này và tuyên bố chương trình này “là bằng chứng cho sự táo bạo của tinh thần khai phá không gian của nước Mỹ và những người Mỹ đam mê thám hiểm.” NASA cúng nói sẽ tiếp tục các cuộc trao đổi và có thể là cả hợp tác với Inspiration Mars.
Nhưng chuyên gia vũ trụ John Logsdon tỏ ra ít háo hức hơn, nói sứ mệnh của Inspiration Mars “không phải là không thể, nhưng là đáng ngờ”. Logsdon, cựu giám đốc Viện chính sách không gian ở Đại học George Washington, chỉ ra những thách thức lớn về tài chính và công nghệ, cũng như rủi ro với phi hành đoàn.
Năm 2001, Tito từng là người tay ngang đầu tiên bay vào vũ trụ, khi ông mua một ghế trong nhiệm vụ khám phá không gian Soyuz của Nga và có một tuần ở trên Trạm vũ trụ quốc tế.