Dân Việt

Kiên Giang: Sơn thủy hữu tình, nuôi thứ cá đặc sản mà có tiền tỷ

Thiên Thiên - Chúc Ly 07/11/2019 06:15 GMT+7
Ngoài thu nhập từ khai thác, nghề nuôi biển góp phần nâng cao thu nhập của người dân xã đảo Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã là 29,5 triệu đồng, năm 2018 là 42,6 triệu đồng và ước thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 48 triệu đồng.

Năm 2010-2011, do nguồn thủy sản khai thác ngày càng cạn kiệt, một số hộ dân trên địa bàn xã Hòn Nghệ đã bắt cá giống thiên nhiên về thả nuôi. Nhờ diện tích mặt nước biển, điều kiện khí hậu thuận lợi, hiệu quả ban đầu từ nuôi cá lồng bè mang lại khá tốt.

Thấy vậy nhiều hộ học tập nhân giống thủy sản để tiếp tục phát triển nghề nuôi cá trên biển. Năm 2011, toàn xã có 150 lồng bè với 53 hộ nuôi, nhưng đến nay, toàn xã có 189 hộ nuôi 1.089 lồng bè, chủ yếu là cá mú sao.

img

Do nguồn thủy sản khai thác ngày càng cạn kiệt, một số hộ dân trên địa bàn xã Hòn Nghệ đã bắt cá giống thiên nhiên về thả nuôi. Ảnh: TT.

Theo ông Nguyễn Hữu Thành - Chủ tịch UBND xã Hòn Nghệ, để hỗ trợ cho người dân, xã thường xuyên phối hợp với huyện tổ chức tập huấn nuôi trồng thủy sản, đề xuất Hội Nông dân các cấp hỗ trợ cho người dân vay vốn với số tiền là 250 triệu đồng để phát triển mô hình kinh tế biển. Đồng thời, kiến nghị các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư từ nguồn vốn ngân hàng Chính sách giảm nghèo và giải quyết việc làm cho ngư dân vay vốn nuôi biển 3 tỷ đồng. Số lượng cá lồng bè mỗi năm đều tăng, góp phần giải quyết tốt lao động địa phương và nâng cao thu nhập người dân.

Nhân dịp đến thăm mô hình nuôi cá mú sao của anh Huỳnh Văn Chiều ở ấp Bãi Nam, xã Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao mô hình.

img

img

Năm 2011, toàn xã có 150 lồng bè với 53 hộ nuôi, nhưng đến nay, toàn xã có 189 hộ nuôi 1.089 lồng bè, chủ yếu là cá mú sao. Ảnh: TT.

Với quy mô 44 lồng cá mú sao, sau mỗi lần thu hoạch, trừ chi phí anh Chiều lãi hơn 8 tỷ đồng. Cá mú sao chủ yếu xuất sang Hồng Kông với giá khoảng 440.000 đồng/kg. Ngoài ra, thương lái các tỉnh thường xuyên đến địa bàn xã thu mua để tiêu thụ trong các tình, thành phố lớn. Do đó, đầu ra của cá mú sao và một số loại cá nuôi biển như cá bóp, cá Hồng Mỹ tương đối ổn định.

Anh Chiều chia sẻ: “Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay của người nuôi cá lồng bè là cần số vốn lớn và kỹ thuật nuôi. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, Nhà nước và ngành chuyên môn có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, để người dân an tâm chuyển đổi từ đánh bắt sang nuôi trồng và có đời sống ổn định hơn”.

img

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến thăm mô hình nuôi cá lồng bè của anh Chiều. Ảnh: TT.

Theo anh Chiều, người nuôi biển phụ thuộc lớn vào khí hậu. Những năm gần dây, diễn biến thời tiết bất thường, dẫn đến tỷ lệ hao hụt cá nuôi cao. Không ít hộ người nuôi trồng chưa có kinh nghiệm, bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, nguồn vốn ít không trụ vững phải nghỉ nuôi.

Về đầu ra, thị trường tiêu thụ và định hướng cho ngư dân nuôi loại cá nào cũng là vấn đề khiến chính quyền địa phương trăn trở khi số lượng hộ nuôi cá ngày càng tăng. Các cơ quan chuyên môn cần có dự báo về thông tin thị trường, khuyến cáo dịch bệnh để người dân chủ động phòng tránh.

img

Với quy mô 44 lồng cá mú sao, sau mỗi lần thu hoạch, trừ chi phí anh Chiều lãi hơn 8 tỷ đồng. Ảnh: TT.

Tại buổi gặp gỡ hộ nuôi biển, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: “Nhiều hộ dân đã có sự chuyển đổi nghề từ đánh bắt sang nuôi biển tạo sinh kế ổn định, vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đối với những khó khăn của ngư dân, sau chuyến khảo sát, Chính phủ sẽ xây dựng lại chính sách để đảm bảo tái cấu trúc ngành thủy sản, trong đó, kết hợp có hiệu quả giữa khai thác và nuôi trồng để đảm bảo việc làm và ổn định đời sống cho người dân”.