Hỗ trợ xây dựng thương hiệu miến dong Bình Lư
Ngày 6/11, Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) do Phó Chủ tịch thường trực Lương Quốc Đoàn làm trưởng đoàn đã về làm việc tại tỉnh Lai Châu.
Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Lai Châu với các nội dung: Kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra công tác hội và phong trào nông dân năm 2019; khảo sát thực tế để xây dựng Nghị quyết của BCH T.Ư Hội NDVN về “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ, đào tạo nghề và tạo việc làm cho nông dân” và Nghị quyết về “Xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại”.
Phó Chủ tịch thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn (người đứng thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm cơ sở sản xuất miến dong ở xã Bình Lư.
Trước khi làm việc với Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, Đoàn công tác đã đi khảo sát một số mô hình sản xuất, chế biến tại huyện Tam Đường và làm việc với huyện này về những nội dung nêu trên.
Đến thăm cơ sở sản xuất, chế biến miến dong của gia đình hội viên nông dân Vũ Thị Thủy, bản Tòng Pẳn (xã Bình Lư, huyện Tam Đường), Đoàn công tác đã nghe chủ cơ sở giới thiệu về quy trình chế biến miến dong cũng như việc tiêu thụ sản phẩm miến dong của gia đình.
Chị Vũ Thị Thủy phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi làm miến dong từ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, chứ không được quy mô như bây giờ. Được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay 50 triệu đồng, năm 2019, tôi bàn với chồng mạnh dạn đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, chế biến miến dong. Với đà sản xuất như hiện nay, mỗi năm gia đình tôi thu hơn 200 triệu đồng từ bán miến dong ra thị trường”.
Theo ông Phạm Minh Phương - Bí thư Đảng ủy xã Bình Lư, thu nhập bình quân của các gia đình sản xuất miến dong ở xã Bình Lư đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm.
Ông Phạm Minh Phương – Bí thư Đảng ủy xã Bình Lư báo cáo, toàn xã Bình Lư có hơn 100 hộ dân làm miến dong. Sản phẩm miến dong Bình Lư được người tiêu dùng ưa chuộng từ nhiều năm nay. Mỗi năm, xã Bình Lư sản xuất, chế biến được khoảng 200 tấn miến dong. Giá bán bình quân khoảng 45.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân ở Bình Lư không chỉ thoát nghèo mà trở nên khá giả cũng nhờ sản xuất miến dong bán ra thị trường.
“Mặc dù đã được đánh giá cao về chất lượng nhưng đến thời điểm này miến dong Bình Lư vẫn chưa có thương hiệu. Người dân trong xã Bình Lư mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho miến dong Bình Lư. Có như vậy thì việc sản xuất cũng như tiêu thụ miến dong trên địa bàn xã mới phát triển bền vững được” – ông Phương cho hay.
Thăm mô hình liên kết trồng chanh leo liên kết giữa Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường với Công ty Cổ phần NAFOODS Tây Bắc tại thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường) Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đánh giá cao trước kết quả phát triển mô hình trồng chanh leo ở đây.
Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình trồng thử nghiệm chanh leo tại thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).
“Cây chanh leo rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Tam Đường nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung. Đây là mô hình trồng thử nghiệm chanh leo của Công ty Cổ phần NAFOODS Tây Bắc tại Lai Châu, với diện tích là 2ha. Chỉ sau 3 tháng trồng, chăm sóc, cây chanh leo đã cho quả sai chi chít. Tới đây, chúng tôi sẽ nhân rộng diện tích trồng chanh leo trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Cây chanh leo hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở tỉnh này” – anh Trần Đức Kiên – cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần NAFOODS Tây Bắc, cho hay.
Cần vận động nông dân vào tổ hợp tác, Hợp tác xã
Báo cáo kết quả thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện với đoàn công tác, bà Tạ Thị Dung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Đường, cho biết, những năm qua, Hội Nông dân các cấp từ huyện đến cơ sở đã tích cực tham mưu với cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Qũy Hỗ trợ nông dân" trên địa bàn huyện.
Tính đến ngày 31/10/2019, Hội Nông dân huyện quản lý 16 dự án với tổng số tiền là 7.660 triệu đồng cho 173 hộ vay vốn. Việc thu gốc, thu lãi của dự án được thực hiện đúng theo quy định, không có lãi tồn và nợ quá hạn, các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả nguồn vốn vay được phát huy.
Qua mô hình trồng thử nghiệm cho thấy, cây chanh leo sinh trưởng phát triển tốt ở thị trấn Tam Đường nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung.
Hội Nông dân huyện (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Kết luận 61 huyện) đã tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác phối hợp triển khai thực hiện Kết luận 61 trên nhiều lĩnh vực, như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT; tạo vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xây dựng nguồn vốn Qũy HTND.
Cũng theo bà Dung: Những năm qua, Hội Nông dân huyện Tam Đường đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân và nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, như: Xây dựng gia đình văn hoá; tham gia xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng bản làng văn hoá; hướng dẫn, vận động hội viên nông dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường...
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn (trái) đánh giá cao mô hình trồng chanh leo ở thị trấn Tam Đường.
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của huyện Tam Đường trong thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như trong công tác hội và phong trào nông dân, Phó Chủ tịch Thường trực Lương Quốc Đoàn lưu ý, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong huyện Tam Đường cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân vào tổ hợp tác và Hợp tác xã.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Lương Quốc Đoàn, muốn nông dân tham gia tổ hợp tác, Hợp tác xã thì cần phải phải đổi mới cách thức tập hợp, vận động, tuyên truyền, làm thay đổi tư duy cũng như thói quen sản xuất nhỏ lẻ của người nông dân. Các cấp Hội Nông dân cũng cần tăng cường củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội...
"Việc hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, Hợp tác xã chính là 1 trong những chìa khóa quan trọng để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp hàng hóa một cách bền vững, hiệu quả...Tham gia các tổ hợp tác, Hợp tác xã thì nông dân mới thuận lợi trong đàm phán, ký kết hợp đồng, hợp tác với doanh nghiệp; thuận lợi trong vay vốn, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ...", Phó Chủ tịch Thường trực Lương Quốc Đoàn khẳng định.