Tại phiên chất vấn chiều 06/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh đặt câu hỏi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về vấn đề nhãn hiệu, nguyên tắc xuất xứ đối với hàng hóa lưu thông trong nước. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho biết, hiện nay, hàng rào kỹ thuật, pháp luật về vấn đề nêu trên đang có lỗ hổng rất lớn khiến nhiều doanh nghiệp không biết làm thế nào cho đúng.
“Tôi thấy Bộ trưởng cần giải trình rõ hơn về vấn đề hàng Trung Quốc “đội lốt”, “nhái” hàng Việt. Vấn đề quan trọng nhất của Bộ chưa trả lời được đó là lỗ hổng rất lớn về pháp luật, hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình. Đặc biệt, đối với sự công khai minh bạch về quy định hàng Việt Nam là thế nào? Chính sự thiếu minh bạch này đã làm cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không?
Asanzo hay Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không? Đề nghị Bộ trưởng cần nói rõ hơn về vấn đề này. Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở? Doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra. Chúng ta sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hoá của họ trong giai đoạn hiện nay.” Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đặt vấn đề.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Trả lời vấn đề nêu trên, trong phiên chất vấn sáng 07/11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay, trong hệ thống pháp luật có rất nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về việc ghi nhãn mác, xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, việc để doanh nghiệp tự xác định nguồn gốc xuất xứ đang gây ra nhiều bất cập.
“Ngoài văn bản Nghị định 31 hướng dẫn về Luật quản lý ngoại thương, chúng ta còn có Nghị định 43 để quy định những nội dung điều chỉnh trong việc chứng nhận nhãn mác, ghi nhãn mác và cũng như xác định xuất xứ các hàng hoá sản phẩm lưu thông trong nước. Nhưng trên thực tế, Nghị định 43 giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tự kê khai và ghi nhãn mác hàng hoá cũng như phần xuất xứ hàng hoá và phục vụ cho lưu thông trong nước, thị trường trong nước.
Chính vì vậy, trong thời gian qua đã diễn ra bước đầu những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại và xuất xứ lừa dối người tiêu dùng như chúng ta đã từng chứng kiến vụ Khaisilk. Sau này, việc chưa rõ ràng trong câu chuyện hướng dẫn ghi xuất xứ với hàm lượng như thế nào trong phần giá trị gia tăng đối với hàng hóa sản xuất nội địa? Do đó, gây ra vướng mắc cho một số doanh nghiệp, mà cụ thể là câu chuyện của Asanzo.” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thông tin thêm, việc thiết lập hành lang pháp lý đối với hoạt động xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ, ngành để xây dựng. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề khó do liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại quốc tế, nếu không cẩn trọng sẽ bị các đối tác nước ngoài gây khó khăn.
“Xác định đây là một việc khó nên Bộ Công Thương đã báo cáo và xin ý kiến các bộ, ngành để tổ chức xây dựng Thông tư dưới hình thức mở và có sự tham gia đóng góp của các bộ, ngành. Sau gần 1 năm xây dựng, chúng tôi đã hoàn thành dự thảo Thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hoá cho sản phẩm lưu thông tại thị trường trong nước và đang tổ chức lấy ý kiến đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông.
Trong đó, có một số ý kiến đã cho thấy, phạm vi điều chỉnh của Thông tư này cần phải nghiên cứu kỹ hơn nữa để tránh tình trạng nó có thể ảnh hưởng đến lợi ích của chúng ta trong các hoạt động thương mại quốc tế.” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
“Cả Thông tư này và Thông tư hướng dẫn Nghị định 31 sẽ đều có chung nền tảng là dựa trên bộ quy tắc xuất xứ được Tổ chức Thương mại Thế giới công nhận. Vì vậy, nếu như không cẩn trọng, các tổ chức nước ngoài có thể căn cứ vào việc này để có thể có siết chặt hoặc gây khó khăn trong việc được chứng nhận ưu đãi các sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài có xuất xứ Việt Nam.” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm.