Maria Rhonita Miller và 4 trong số những người con của mình, bao gồm cặp song sinh 8 tháng tuổi, bị các tay súng băng đảng giết hại (Ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp)
Sáu phụ nữ và ba trẻ em bị giết hại trong cuộc phục kích của băng đảng ma túy vào hôm thứ Hai vừa qua (4.11) khi họ đang lái xe từ thành phố Bavispe của Mexico đến bang Arizona của Mỹ.
Đáng chú ý, một vài trong số các nạn nhân cùng có tên họ là LeBaron. Đây được coi là tên họ chung của cộng đồng các tín đồ Mặc Môn chính thống (Mormon fundamentalist), một giáo phái từng di cư đến bang Chihuahua ở Mexico vào năm 1944.
Giáo hội Mặc Môn, hay còn gọi là Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê Su Ki tô, là một hệ phái Ki tô được sáng lập tại Mỹ bởi Joseph Smith vào năm 1830. Thuật ngữ Mặc Môn được lấy từ Phúc Âm Mặc Môn, một quyển kinh thánh của riêng Joseph Smith dành cho các tín đồ của mình. Giáo hội này hiện có 16 triệu tín đồ trên toàn thế giới và có nhà thờ chính tòa tại thành phố Salt Lake, tiểu bang Utah.
Nhà thờ chính tòa Mặc Môn tại thành phố Salt, Lake, bang Utah, Mỹ
Giáo phái Mặc Môn chính thống về cơ bản có chung nguồn gốc với Giáo hội Mặc Môn, nhưng đã ly khai vào cuối thế kỷ 19 sau khi chính phủ Mỹ cấm chế độ đa thê và Giáo hội Mặc Môn cũng nghiêm cấm thực hiện hành vi này. Nhiều tín đồ đã bỏ sang Mexico, và xây dựng các cộng đồng sinh sống chủ yếu ở bang Chihuahua và các vùng núi xa xôi, hẻo lãnh dọc theo sông Piedras Verdes.
Patrick Mason, nhà sử học nghiên cứu về Giáo hội Mặc Môn tại Đại học bang Utah, cho biết: “Dù chỉ gắn liền với một nhóm nhỏ các tín đồ Mặc Môn chính thống gốc Mỹ, song cái tên LeBaron trong những thập kỷ gần đây thường liên quan đến bạo lực và giết chóc, mà vụ thảm sát mới đây chỉ là một phần trong số đó.”
Cộng đồng LeBaron có lẽ được biết đến nhiều nhất với hàng loạt vụ giết người, xảy ra vào khoảng giữa những năm 1970 và 1980 ở cả Mexico và Mỹ. Kẻ chủ mưu của hầu hết những vụ án mạng trên là Ervil LeBaron, thường được biết đến với biệt danh Manson Mặc Môn, giáo chủ Mặc Môn chính thống từ năm 1951 cho đến 1981.
Evril LaBaron (ngoài cùng bên phải) cùng các anh, em trai của mình
Năm 1972, hai tín đồ của Ervil LeBaron bị cáo buộc đã bắn chết anh trai mình sau một vụ tranh chấp về quyền lãnh đạo giáo phái. Ervil bị xét xử vìtội ác trên, nhưng bản án bị bãi bỏ. Sau đó, y lại bị xét xử và kết án vì tội giết hại tiến sĩ Rulon Allred, một lãnh đạo đối lập với mình vào năm 1977.
Evril, người đã có ít nhất 13 người vợ và 50 đứa con, bị dẫn độ đến Mỹ năm 1979 và bị kết án chung thân tại nhà tù thành phố Draper, bang Utah. Ở trong tù, y đã viết một quyển điều răn dài 400 trang, nêu tên những thành viên giáo phái cần bị thanh trừng vì tội bất tuân, và vẫn có thể chỉ đạo các tín đồ của mình thực hiện các vụ giết người từ xa.
Cho nên, dù Evril chết trong tù vào năm 1981 nhưng 6 thành viên trong gia đình y vẫn tổ chức các vụ giết người, trong đó khét tiếng nhất là vụ án mạng “bốn giờ sáng”, trong đó một đứa bé 8 tuổi và 3 cựu thành viên giáo phái Mặc Môn chính thống bị bắn chết chỉ trong vài phút ở bang Texas vào năm 1988.
Evril LeBaron lãnh án tù chung thân tại Mỹ năm 1979 và chết không lâu sau đó
Heber, con trai của Evril, hiện đang ngồi tù do có liên quan đến các vụ giết người ở Texas và Utah trong những năm 1980. Một người con trai khác, tên Aaron, cũng thụ án tù 45 năm với các tội danh tương tự.
Anna LeBaron, một người con gái của Evril, cho biết: “Cha tôi thường đưa ra những mệnh lệnh kiểu xã hội đen, và chúng sẽ được áp đặt lên các thành viên không còn tin tưởng và thực hiện những giáo lý của ông, hoặc đôi khi có cả những người lãnh đạo các giáo phái đối địch.”
Một chuyên gia ước tính rằng các thành viên của giáo phái này đã giết hại khoảng 30 người trong những năm qua.
Nhưng hiện nay, hầu hết các thành viên của cộng đồng LeBaron sống ôn hòa hơn và không còn thực hiện chế độ đa thê. Trong các gia đình của họ giờ có cả những người theo Công giáo hoặc không theo tôn giáo nào.
Mason cho biết hậu duệ của các cộng đồng Mặc Môn chính thống ở Mexico ngày nay có 2 quốc tịch Mỹ-Mexico, và thường xuyên qua lại biên giới giữa 2 nước để thăm người thân của mình.
“Họ có thể nói được cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, họ sống trong các cộng đồng mở rộng với nhiều đại gia đình, và phần lớn đều mong muốn không vướng vào rắc rối với các cư dân bản địa,” ông Mason cho biết.
Dù số liệu đáng tin cậy vẫn chưa được công bố, nhưng theo ông Mason, hiện có hơn một triệu thành viên Giáo hội Mặc Môn tại Mexico, lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ.
Tám đứa trẻ đã may mắn sống sót sau vụ xả súng đẫm máu của băng đảng Mexico vào một gia đình Mỹ, khiến 9 người...