Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sáng ngày 7/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) có ý kiến: Chúng ta biết nước là một vấn đề an ninh mà tôi cho còn hơn hơn cả lương thực, có một tình trạng là chúng ta đang thoái vốn nhà nước toàn bộ, có thể nói thoái vốn đến 100% các công ty cung cấp nước sạch.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM khẩn thiết đề nghị xem lại thương vụ bán 34% cổ phần nhà máy nước mặt sông Đuống cho nữ tỷ phú Thái
“Vừa rồi báo chí đăng một tin tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% của nhà máy nước sạch lớn nhất của Việt Nam, hình như là Nhà máy nước mặt sông Đuống. Trước tình hình cung cấp nước sạch ở Hà Nội vừa rồi, chúng ta phải xem xét lại chủ trương này, đề nghị Bộ trưởng cũng như Thủ tướng cho biết thêm ý kiến của mình về việc này. Tôi rất khẩn thiết đề nghị xem xét lại không có nên thoái vốn mà chúng ta nên chiếm cổ phần chi phối”.
Chia sẻ sự quan tâm cũng như quan điểm của ĐB Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “hứa” tiếp thu trong góc độ trách nhiệm của bộ. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cổ phần hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu lại doanh nghiệp.
"Điều này không chỉ nhằm thu nhỏ lại số lượng doanh nghiệp nhà nước mà còn tạo ra một thị trường, một thể chế và pháp luật thuận lợi hơn không chỉ cho doanh nghiệp tư nhân mà còn cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp cận cơ hội của thị trường. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có thương hiệu lớn cần giữ cũng là ý đúng, rất cần tính đến”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bình luận.
Trước đó, thông tin từ Ủy ban chứng khoán Thái Lan cho biết, nữ tỷ phú Thái đã chi 2,76 tỷ baht (khoảng 2.000 tỷ đồng) để mua 34% cổ phần của Công ty CP Nước mặt sông Đuống, đơn vị sở hữu nhà máy nước mặt sông Đuống.
Toàn cảnh nhà máy nước mặt sông Đuống
Cụ thể, hồi đầu tháng 8/2019, Sở GDCK Thái Lan đã được CTCP đại chúng điện và nước WHA (WHA) thông báo về việc một công ty con là WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP) ký thỏa thuận đầu tư vào một doanh nghiệp tiện ích ở Hà Nội. Giao dịch hiện đã hoàn tất.
Theo đó, WHAUP mua gần 34 triệu cổ phiếu (tương đương 34%) cổ phần từ ông Do Tat Thang, một cổ đông của Công ty CP Nước mặt Sông Đuống với trị giá tổng cộng hơn 2.073 tỷ đồng. Sự xuất hiện của nhà đầu tư Thái cũng đã được ghi nhận.
Theo Aqua One, danh sách cổ đông hiện hữu của Công ty CP Nước mặt Sông Đuống đã có sự thay đổi. Theo đó, WHAUP (SG) 2DR PTE. LIMITED của Thái Lan nắm giữ 34%. Các cổ đông còn lại là: Aqua One 51%; Newtaco 5%; Công ty nước sạch Hà Nội 10%.
WHAUP (SG) 2DR PTE.LIMITED theo giới thiệu là thành viên Tập đoàn WHA, Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp, năng lượng hàng đầu của Thái Lan. Bà Jareeporn Jarukornsakul hiện đang nắm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn này, sở hữu 10,3% vốn và thông qua WHA Holding Co.,LTD sở hữu 25,3%.
Theo báo cáo, Tập đoàn WHA hiện đang nắm giữ 74% cổ phần tại WHAUP và bà Jareeporn Jarukornsakul đồng thời làm Chủ tịch HĐQT của WHAUP. Bà Jareeporn Jarukornsakul là nữ tỉ phú người Thái Lan, đứng thứ 37 trong danh sách 50 người giàu nhất Thái Lan năm 2018 với tài sản ròng vào khoảng 820 triệu USD.
Liên quan đến nhà máy nước mặt sông Đuống, cuối tháng 10/2019, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản giao Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn thủ đô.
Giá có thể tăng trong thời gian tới khi Hà Nội cho biết đang bù lỗ tiền tỷ mỗi ngày cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.
Từ 7/2017, Hà Nội tạm tính giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT) với lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm.
Mức giá mua nước của nhà máy nước mặt Sông Đuống hiện cao hơn nhiều so với mức giá mua của nhà máy nước sạch Sông Đà. CTCP Nước sạch sông Đà đang cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3 và đang có lãi lớn, doanh thu 2 đồng lãi 1 đồng.
Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống có quy mô công suất 300.000m3/ngđ, tuyến ống truyền dẫn 81km tổng vốn đầu tư 4.998 tỉ đồng. Nếu so sánh công suất hiện tại của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đang là 300.000m3 nước/ngày đêm với giá bán buôn cho Hà Nội là 10.264 đồng/m3 thì Hà Nội mỗi ngày đang bỏ ra số tiền khoảng 3 tỉ đồng để mua nước sông Đuống.
Từ 7/2017, Hà Nội tạm tính giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT) với lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm.
Mức giá mua nước của nhà máy nước mặt sông Đuống của Shark Liên hiện cao hơn nhiều so với mức giá mua của nhà máy nước sạch Sông Đà (hiện ở mức khoảng 5 ngàn đồng/m2). CTCP Nước sạch sông Đà hiện đang cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3 và đang có lãi lớn hàng ngàn tỷ.