Sau khi tiến sát ngưỡng kháng cự 1.000 điểm vào ngày 28/10, thị trường bứt phá thật sự trong phiên giao dịch ngay ngày đầu tháng 11, với VN Index tăng 16,77 điểm, tương đương 1,68%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất, kể từ ngày 21/2 đầu năm nay. Theo đó, VN Index leo lên cao nhất kể từ ngày 5/10/2018 cho đến nay, tại mốc 1.015 điểm.
Sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu lớn
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là một trong những động lực chính kéo thị trường chứng khoán đi lên với chỉ số VN 30 đo lường giá trị của 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường cũng tăng 10,87 điểm, tương đương 1,18% trong phiên ngày 1/11, trong đó tâm điểm lớn nhất là nhóm cổ phiếu Vingroup.
VHM, VIC và VRE là 3 cổ phiếu tác động lớn nhất với tổng mức đóng góp hơn 11 điểm vào điểm số tăng của VN Index. Trong đó VHM tăng trần đóng góp hơn 6,44 điểm, VIC tăng 2,94% đóng góp gần 3,5 điểm và VRE tăng 5,6% đóng góp 1,3 điểm. Ngoài kết quả kinh doanh quý 3 công bố tích cực, với lãi ròng 9 tháng hơn 15.200 tỷ đồng và thông tin VHM đăng ký mua lại 60 triệu cổ phiếu, còn VRE mua lại 56,5 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ đã thúc đẩy các nhà đầu tư đồng loạt mua vào.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cuối tuần qua
VNM sau xu hướng tăng mạnh thời gian qua, phiên đầu tháng này tiếp tục tăng 1,85% đóng góp 1,23 điểm, VCB sau những phiên liên tiếp lập kỷ lục mới trong thời gian gần đây cũng tăng thêm 1,25% đóng góp 1,19 điểm. 5 cổ phiếu còn lại trong tốp 10 cổ phiếu đóng góp lớn vào mức tăng của VN Index là: HVN góp 0,64 điểm, GAS - 0,56 điểm, MSN - 0,52 điểm, BID và BVH đóng góp xấp xỉ 0,4 điểm.
Đúng như dự báo của giới phân tích trước đó, VN Index đã vượt qua mốc 1.000 điểm là nhờ vào động thái kéo cổ phiếu trụ, nhất là khi kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay của nhóm này tiếp tục đạt kết quả tăng trưởng khả quan và nằm trong nhóm những doanh nghiệp lãi lớn nhất trên sàn. Diễn biến tích cực của VN Index và nhóm cổ phiếu trụ đã lan tỏa sang các nhóm còn lại, giúp sắc xanh vượt trội ở các mã cổ phiếu.
Động thái của khối ngoại
Điều quan trọng hơn là tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện đáng kể, nhất là khi thị trường tài chính quốc tế cũng đang có diễn biến tích cực khi thị trường chứng khoán Mỹ đã khởi sắc trở lại. Chỉ số Dow Jones đã quay trở lại trên ngưỡng 27.000 điểm từ giữa tháng 10 và liên tiếp tăng mạnh trong những phiên vừa qua, trong đó phiên ngay đầu tháng 11 cũng tăng hơn 300 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng liên tiếp lập kỷ lục mới trong những phiên gần đây.
Ngoài chất xúc tác là mùa báo cáo cáo kết quả kinh doanh quý 3 vừa qua, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giảm lãi suất lần thứ 3 trong cuộc họp cuối tháng 10 đã hỗ trợ tích cực tâm lý thị trường. Với mức giảm thêm 0,25% xuống vùng 1,5-1,75%, FED cho thấy động thái nới lỏng chính sách quyết liệt, khi liên tiếp trong 3 cuộc họp từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 10 đã giảm đến 0,75% lãi suất cơ bản, đảo ngược hoàn toàn chính sách thắt chặt trước đó cũng như kế hoạch tăng thêm lãi suất trong năm nay.
Động thái giảm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ của FED được kỳ vọng sẽ lại thúc đẩy dòng tiền rẻ tìm đến các kênh đầu tư rủi ro hơn như chứng khoán, cũng như các thị trường có suất sinh lời hấp dẫn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đáng lưu ý là sau hàng loạt phiên bán ròng mạnh mẽ hàng trăm tỷ đồng/phiên trong tháng 8 và tháng 9, từ giữa tháng 10 trở lại đây giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt đã giảm xuống đáng kể, trong đó thậm chí có những phiên mua ròng trở lại. Như trong phiên VN Index tăng gần 17 điểm vào ngày 1/11 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 378 tỷ đồng, trong đó mua ròng trên sàn HOSE là gần 254 tỷ đồng và HNX mua ròng hơn 132 tỷ đồng, trong đó tập trung ở những mã như VRE được mua ròng gần 104 tỷ đồng, VHM - 74 tỷ đồng, VNM - 54 tỷ đồng, VCB - 50 tỷ đồng, VIC - 40,5 tỷ đồng.
(Theo Thế Giới Tiếp Thị)