Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM cho biết, tới đây, việc ứng dụng công nghệ blockchain sẽ có tính quyết định trong xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh.
Trong đó, cụ thể như ứng dụng blockchain trong cung cấp các dịch vụ công và trong quản lý và điều hành đô thị. Ví dụ như các cảm biến cung cấp thông tin trạng thái về mực nước dâng ngày triều cường làm căn cứ cho hệ thống điều khiển giao thông tự động điều chỉnh luồng giao thông tránh bị ùn tắc cục bộ.
Công nghệ blockchain cũng được ứng dụng vào lĩnh vực kinh tế. Một ví dụ đơn giản nhưng mang tính cấp bách là TP sẽ sớm xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa dựa trên công nghệ blockchain theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc này không chỉ mang lại uy tín cho những sản phẩm của TP cung cấp ra thị trường trong nước và quốc tế mà quan trọng hơn, còn là thước đo về trạng thái thực của các quy trình sản xuất tại từng đơn vị sản xuất cụ thể. Như thế, Blockchain không chỉ là phương tiện hỗ trợ sản xuất, kinh doanh mà cao hơn thế, còn là công cụ giúp làm thay đổi tập quán canh tác, hướng tới các chuẩn mực quốc tế khi nước ta hội nhập ngày càng sâu với quốc tế.
Ngoài ra, blockchain cũng được ứng dụng trong phát triển xã hội. Các lĩnh vực như giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, phát triển cộng đồng,… có những bước tiến đột phá nhờ ứng dụng công nghệ blockchain từ những việc đơn giản như khám, chữa bệnh, đăng ký bảo hiểm, đăng ký nhập học, giao dịch ngân hàng,… đến những hoạt động phức tạp hơn cần kết nối liên ngành. Người dân chỉ cần một mã định danh là có thể tham gia bất cứ một loại hình dịch vụ xã hội nào mà không cần làm tờ khai như trước đây.
Cũng theo bà Trinh, Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” triển khai từ tháng 11/2017, sau giai đoạn 1 đã đạt được một số kết quả.
Cụ thể, mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 1 là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu (CSDL) chứa những thuộc tính cơ bản nhất của “người dân”, doanh nghiệp”, “bản đồ số” để chia sẻ thống nhất trong tất cả các cơ quan trong bộ máy chính quyền thành phố, sao cho tất cả các cơ quan chính quyền đều sử dụng chung dữ liệu gốc về “người dân”, “doanh nghiệp”, “bản đồ số dùng chung”.
CSDL về người dân được xây dựng từ dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư (thường trú và tạm trú). Để triển khai, UBND TP đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận huyện của TP thực hiện số hóa dữ liệu theo hướng dẫn của Sở TT-TT. CSDL về doanh nghiệp đang thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ khai thác thông tin hộ kinh doanh cá thể cho một số quận - huyện khai thác phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của đơn vị. Về bản đồ số dùng chung, Sở cũng đang hoàn thiện để triển khai thử nghiệm trong quý 4/2019.
Về dữ liệu mở, TP đã triển khai thử nghiệm Cổng thông tin dữ liệu mở tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn/, đã cung cấp dữ liệu mở về các cơ sở khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề y, cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục, dự án đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư công.
Đối với mục tiêu xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh, theo bà Trinh, trong giai đoạn 1, TP đã thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu từ hơn 1.000 camera giám sát của Sở GTVT và UBND các quận (quận 1, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp). Song song với việc triển khai thí điểm, Đề án xây dựng Hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung của TP.HCM giai đoạn 2019 - 2025 cũng đã được xây dựng và trình UBND TP phê duyệt.
(Theo Thế Giới Tiếp Thị)