Chuyển 15,6 triệu USD, rồi phó mặc chủ dự án… “tự bơi”
Ngày 1/6/2007, Hồng Phát và CPL ký kết “thoả thuận khung”, cùng góp vốn đầu tư dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa (diện tích khoảng 500 ha, tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An). Dự án được UBND tỉnh Long An chấp thuận chủ trương từ năm 2003 và có quyết định thu hồi đất giao cho Công ty Hồng Phát làm chủ đầu tư từ năm 2005.
Ngay sau khi ký “thoả thuận khung”, CPL đã góp 15,6 triệu USD cho giai đoạn 1 của dự án. Với số tiền trên, Hồng Phát dùng vào việc bồi thường, giải phóng mặt bằng 273 ha đất. Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân đã phát sinh chi phí xây dựng khu tái định cư, Hồng Phát đề nghị CPL bổ sung thêm vốn. Nhưng CPL khước từ và khẳng định chỉ chi 15,6 triệu USD…
Dù không được đối tác hỗ trợ, nhưng Công ty Hồng Phát vẫn duy trì dự án. Ảnh: H.H
Suốt 10 năm qua, Hồng Phát huy động vốn từ nhiều nguồn, đổ vào dự án hơn 1.000 tỷ đồng để dự án không bị gián đoạn, mà tiếp tục được giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân và triển khai đường sá, cơ sở hạ tầng.
UBND tỉnh Long An đã cấp 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho Công ty Hồng Phát. Đồng thời, chính quyền cũng khuyến khích Hồng Phát tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phát triển dự án, không để dự án “treo”, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thế nhưng, với CPL, nhiều năm qua, trước tình hình giá trị đất đai ngày càng gia tăng đã liên tục khiếu nại Hồng Phát. CPL đòi Hồng Phát “chia phần” giá trị gia tăng tại dự án, dù không tham gia bất cứ công việc gì, ngoài việc góp số tiền 15,6 triệu USD vào năm 2007.
Một góc Dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa, tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Ảnh: H.H
Vì sao không thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư ?
Năm 2013, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) ra phán quyết: “Công ty Cổ phần Địa ốc Hồng Phát phải tiếp tục “Thỏa thuận khung” để tuân thủ nghiêm ngặt điều 6.1 và các điều khoản khác của “Thỏa thuận khung”. Bao gồm thực hiện thủ tục xin phép cần thiết và có được Giấy chứng nhận đầu tư cho công ty liên doanh của dự án, tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, như đã được thỏa thuận trong “Thỏa thuận khung”. Hồng Phát phải đóng góp quyền sử dụng đất của diện tích đất giai đoạn 1 đứng tên của Hồng Phát vào công ty liên doanh”.
Song, từ năm 2013 đến nay, Hồng Phát và CPL vẫn không thể thống nhất thành lập công ty liên doanh. Phía Hồng Phát yêu cầu: Trước khi thành lập liên doanh, CPL phải bổ sung vốn cho chi phí giải phóng, đền bù mà Hồng Phát gánh chịu từ nhiều năm nay để duy trì dự án.
Còn CPL vẫn không chấp nhận bổ sung vốn, mà khẳng định số tiền 15,6 triệu USD nói trên đã đầu tư vào dự án, nên phải được “chia phần”… Ông Lương Văn Trung – đại diện CPL tại Việt Nam – khẳng định: “Khoản đầu tư của CPL vào dự án là hoàn toàn hợp pháp và đã tạo nên các giá trị gia tăng cho đến ngày hôm nay. Do đó, CPL được quyền hưởng lợi toàn bộ từ khoản đầu tư theo đúng Thỏa thuận khung”.
Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát được UBND tỉnh Long An cấp phép đầu tư dự án từ năm 2005. Ảnh: H.H
Trả lời về tính pháp lý của số tiền 15,6 triệu USD tại dự án, ông Tống Quốc Đạt – Chánh văn phòng Bộ Kế hoạch – Đầu tư – cho rằng: “Trong thời gian Luật Đầu tư 2005 có hiệu lực thi hành, việc tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển vốn từ nước ngoài vào Việt Nam cho đối tác Việt Nam để hợp tác.
Số vốn đó sử dụng cho các hoạt động đầu tư của dự án, mà chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, hoặc thẩm tra để cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì chưa có cơ sở để xác định việc chuyển vốn này là hoạt động đầu tư vào dự án, với tư cách là nhà đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TP.HCM): “Việc CPL bỏ vốn vào dự án, nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thì rõ ràng, không thể nói CPL đã hoạt động đầu tư ở Việt Nam, để từ đó đòi “quyền hưởng lợi” từ dự án đầu tư.
Thực tế, dự án đang trong giai đoạn đầu tư, thì lấy đâu ra lợi nhuận để mà thụ hưởng? Hơn nữa, cần làm rõ tính pháp lý của số tiền chuyển vào Việt Nam là tiền hợp pháp hay bất hợp pháp. Bởi vậy, CPL phải tuân thủ thủ tục đăng ký đầu tư và thẩm tra để có tư cách đầu tư”.
Luật sư Lễ cho biết, nếu 2 bên không thể thành lập công ty liên doanh để tiếp tục hợp tác, như phán quyết của Trung tâm trọng tài quốc tế, thì tranh chấp giữa Hồng Phát và CPL xung quanh khoản tiền 15,6 triệu USD cần phải đưa ra toà dân sự phân xử.
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Hồng Phát vẫn triển khai dự án theo đúng tiến độ. Ảnh: H.HBà Thái Thị Hồng Hậu – Phó Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Hồng Phát – cho hay: “Doanh nghiệp đã tốn kém hơn 1.000 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, nhằm duy trì dự án hơn 10 năm qua. Nay, dự án muốn tiếp tục phát triển, nhưng vì tranh chấp, nên toàn bộ 13 GCNQSDĐ đang bị phong toả, không thể giao dịch, vay vốn ngân hàng. Không thể chỉ vì mắc có 15,6 triệu USD của CPL, mà đình trệ toàn bộ dự án trị giá hàng trăm triệu USD”.
Bà Hậu cho rằng, CPL cần phải sớm trả lời, vì sao suốt nhiều năm, CPL vẫn không tuân thủ đăng ký đầu tư theo đúng quy định của luật pháp đầu tư Việt Nam ? Trong khi, trụ sở của CPL tại British Virgin Islands, được coi là “thiên đường thuế”. Các doanh nghiệp xuất phát từ “thiên đường thuế” chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn ở nước ngoài. Thậm chí, không nhất thiết phải gánh chịu trách nhiệm cụ thể về pháp lý và tài chính, khi đầu tư ra nước ngoài…
Nhiều năm qua, tranh chấp giằng co giữa Hồng Phát và CPL xung quanh số tiền 15,6 triệu USD chuyển vào dự án, vẫn chưa cơ quan chức năng nào giải quyết thấu đáo.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.