50 năm chưa được xếp hạng bảo vệ
Di chỉ Vườn Chuối là tên gọi một cụm di chỉ khảo cổ thời đại kim khí phân bố ở các gò Vườn Chuối, gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn, gò Chùa Gio, gò Đình Lỗ, gò Cây Muỗng, gò Chiền Vậy, thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức.
Mộ táng thuộc văn hóa Đông Sơn được phát hiện ở hố H2 di chỉ vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội, năm 2019.
Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, hiện nay, khu di chỉ Vườn Chuối nằm gần quốc lộ 32, kế trạm trộn bê tông, xung quanh là một đại công trường xây dựng tuyến vành đai 3.5 của TP.Hà Nội và tuyến đường nội bộ của Khu đô thị mới Kim Chung-Di Trạch (Thăng Long 9) với máy xúc-ủi đang hoạt động rầm rộ. Trước, khu vực này là nơi trồng chuối và cánh đồng của người dân thôn Lai Xá. Đây cũng là nơi có nhiều phần mộ lâu đời, thậm chí có những phần mộ từ năm 1440.
Phần lớn gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn, đã bị các đơn vị thi công đổ đất, san ủi, làm cống, làm đường nội bộ. Mỏ Phượng gần như bị xóa sổ, Dền Rắn bị phá một nửa, còn Vườn Chuối, nơi các nhà khảo cổ kiến nghị giữ lại để bảo tồn thì liên tục bị trộm đồ cổ.
Khu di chỉ có tổng diện tích 19.000 m2, có thể nói, đây là địa điểm khảo cổ có một không hai của Hà Nội với các nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ về dấu vết của một cụm dân cư tồn tại trong khoảng 2.000 đến 3.500 năm trước. Tròn 50 năm (1969) kể từ khi được phát hiện, di chỉ này đã trải qua 9 cuộc khai quật nhỏ lẻ rải rác, để rồi phát lộ một hệ thống di vật vô cùng phong phú bao gồm mộ táng, hố hành lễ, gạo hóa than, khuôn đúc đồng…
Thế nhưng, cũng ngần ấy năm khu di chỉ Vườn Chuối chưa được sự quan tâm nhiều của các nhà quản lý văn hóa; chưa từng được chính thức công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cần bảo tồn.
Thậm chí, năm 2007, khu đất này (vốn thuộc tỉnh Hà Tây cũ) còn được giao cho Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng Việt Nam (Vietracimex) để xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch (Thăng Long 9) với tổng diện tích gần 150 ha bao trùm lên cả khu Vườn Chuối. Dự án này chậm triển khai nhiều năm.
Có dấu hiệu xâm phạm di chỉ
Theo phản ánh của người dân, tháng 7/2018, đơn vị thi công đã đổ phế thải lấp toàn bộ khu di chỉ khảo cổ. Trước đó, khi một trạm trộn bê-tông được xây dựng, đơn vị chủ quản cũng đã làm một con đường bê-tông cắt đôi khu vực Vườn Chuối và đè lên cả di chỉ khảo cổ. Người dân đã kêu cứu khắp nơi.
Các nhà khảo cổ khải quật tại khu di chỉ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội).
Ngay sau đó, UBND TP.Hà Nội có văn bản số 3782/UBND-KGVX gửi các Sở VHTT, QHKT, Tài Chính; UBND huyện Hoài Đức, Vietracimex về việc bảo tồn di chỉ khảo cổ học vườn Chuối. Trong đó, UBND TP.Hà Nội đề nghị Vietracimex tiếp tục thực hiện nội dung Công văn số 6496/UBND-KGVX ngày 21/12/2017 của UBND TP đến khi xác định được phương án và phạm vi bảo tồn di chỉ; phối hợp với Sở QHKT và các sở, ngành TP trong việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực và đề xuất phương án, phạm vi bảo tồn di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.
Đồng thời, UBND TP yêu cầu UBND huyện Hoài Đức thực hiện bảo vệ khu vực di chỉ khảo cổ theo chỉ đạo của UBND TP tại công văn số 6496 và phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực di chỉ khảo cổ.
Mới đây, với mục đích không để di tích bị biến mất khỏi bản đồ khảo cổ học, UBND TP.Hà Nội đã cho phép Sở VHTT “tổ chức thám sát, khai quật khảo cổ tại khu vực Vườn Chuối; tiếp tục thu thập hồ sơ và tổng hợp giá trị của di chỉ Vườn Chuối qua các lần khai quật” làm cơ sở “đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn đối với di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối”.
Đơn vị thi công đã đổ phế thải, đổ đất lấp phần lớn toàn bộ khu di chỉ khảo cổ vườn Chuối.
Kết quả thăm dò, khai quật xác định vị trí và hiện trạng các địa điểm thuộc cụm di chỉ Vườn Chuối cho thấy, hiện nay các gò Chùa Gio, gò Đình Lỗ là nghĩa trang của người dân Lai Xá; gò Cây Muỗng đã trở thành một phần khu dân cư thôn Lai Xá; gò Chiền Vậy nay đã nhập vào địa phận xã Di Trạch và cũng đã trở thành một phần của Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội. Các địa điểm trên hầu như đã bị phá hủy hoàn toàn, không còn khả năng triển khai nghiên cứu.
Ba địa điểm gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng nằm trong phạm vi dự án xây dựng Khu đô thị mới của Vietracimex. Cảnh quan môi trường khu vực đã thay đổi hoàn toàn do quá trình san lấp tạo mặt bằng xây dựng khu đô thị. Riêng gò Vườn Chuối vẫn còn giữ được hình dạng ban đầu nhưng tình trạng san lấp mặt bằng cũng đã tiến sát đến chân gò.
Gò Vườn Chuối còn bị con đường vành đai 3.5 của TP.Hà Nội cắt qua một nửa. Hiện nay quá trình thi công tuyến đường đã tiến sát chân gò.
Ba phương án bảo tồn di chỉ
Kết quả thu được qua đợt thăm dò khai quật ghi nhận Cụm di chỉ Vườn Chuối là một cụm di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, có nhiều tư liệu góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích Vườn Chuối và thời Tiền Sơ sử ở khu vực TP.Hà Nội, góp phần làm rõ không gian cư trú và lan tỏa của cư dân giai đoạn Tiền Đông Sơn - Đông Sơn trên đất Hoài Đức và Hà Nội ở buổi bình minh lịch sử.
Dựa trên kết quả thu được, Đoàn khai quật cũng đã đề xuất 3 phương án bảo tồn di chỉ. Trong đó, phương án 1 là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di chỉ Vườn Chuối, khoanh vùng khu vực bảo tồn bằng các mốc giới. Trong khu vực di tích không xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào. Trong phạm vi khu vực bảo tồn, các cơ quan chuyên môn tiếp tục thăm dò, khai quật nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của di tích và xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa.
Công trình xây dựng hạ tầng giao thông diễn ra trên di chỉ vườn Chuối vẫn đang được tiến hành.
Tuy nhiên, phương án này có xung đột gay gắt giữa di sản văn hóa với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông của thành phố Hà Nội. Bởi, vị trí phân bố di tích Vườn Chuối hiện đang nằm trong khu vực thi công đường Vành đai 3.5 của TP.Hà Nội. Nếu con đường được thi công theo phương án đã được phê duyệt như hiện tại thì 1/2 diện tích phân bố, tương đương với 6.000m2 di chỉ Vườn Chuối sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Phần diện tích còn lại của di chỉ Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng là đất dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (Thăng Long 9) do Vietracimex làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, nửa phía Đông di chỉ Vườn Chuối là khu công viên cây xanh.
Phương án 2 là dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để thực hiện việc dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện, thông báo cho các đơn vị Chủ đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.5 và Chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (Thăng Long 9) Vietracimex cần phải thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng.
Phương án này không chú ý bảo tồn di sản văn hóa, mà chỉ chú trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội đạt được lợi ích trước mặt nhưng phá hủy hoàn toàn một nguồn tài nguyên di sản văn hóa quý báu của TP.Hà Nội và Việt Nam.
Phương án 3 là bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, tiến hành khai quật nghiên cứu 6.000m2 nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối. Đồng thời với việc khai quật nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của di tích là xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa. Đối với các di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng, chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (Thăng Long 9) Vietracimex cần phải thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng.
Phương án này kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khảo cổ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông của TP nhưng khối lượng công việc rất lớn, nguồn kinh phí lớn và đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo TP để có thể triển khai và hoàn thành tốt công việc.