Tiền vẫn im lìm trong két
Cuối năm 2011, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng là 3,39%. Báo cáo gần đây của các tổ chức tín dụng cho biết, đến ngày 31.5.2012, nợ xấu là 4,47%. Tổ chức quốc tế Fitch Rating cho rằng, con số nợ xấu là 13%. Đến ngày 7.6.2012, giải trình trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra con số nợ xấu tới 10%.
Sau đó 1 tháng, NHNN lại họp báo công bố số liệu, tỷ lệ nợ xấu theo kết quả giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng là 8,6% (tương đương 202.000 tỷ đồng). Sự thiếu thống nhất, nhiễu số liệu ngay từ ban đầu đã dẫn đến nhiều nghi ngại sau đó.
Nợ xấu ngân hàng còn 6% được cho là phần “rất xương xẩu” (ảnh minh họa). |
Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng thương mại (NHTM) thường che giấu thực trạng nợ xấu, làm đẹp bảng cân đối kế toán. Do vậy, báo cáo của các NHTM cũng như kết quả thanh tra của NHNN vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn khi chưa làm rõ cơ cấu nợ xấu giảm ra sao. Nợ xấu giảm ở khối doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp tư nhân, hay là bất động sản?
Trước đó, Chánh Thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, lý do chính giúp nợ xấu có xu hướng giảm trong thời gian qua là do các NHTM đã đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro theo chỉ đạo của cơ quan quản lý. Các ngân hàng thận trọng rà soát các khoản vay cũng giúp hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh chủ yếu do nỗ lực trích lập dự phòng rủi ro, đổi lại các NHTM phải chấp nhận bớt lãi.
Lời giải thích có vẻ phù hợp bởi, xung quanh chuyện tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 8% xuống 6%, ngay lập tức các chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lo ngại trong bối cảnh tốc độ vốn ra của nền kinh tế âm 0,16%, trong khi tiền vào ngân hàng tăng 1,84%. Tất cả làm dấy lên mối lo ngại kịch bản tái diễn như năm 2012, tức là tình trạng dòng vốn vào nhiều nhưng ách tắc đầu ra, thừa tiền song lại không cho vay được.
Tín dụng đóng băng chứng tỏ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng vẫn chưa được cải thiện. Khả năng sản xuất, kinh doanh phục hồi sẽ chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Áp lực lại tiếp tục dồn lên 10 tháng còn lại của năm, khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong cả năm 2013 mà không gây lạm phát sẽ là một thách thức đối với Chính phủ.
Chính vì vậy, việc ngân hàng thu hồi được một phần nợ xấu cho thấy tiền vẫn đang nằm im lìm, chết lặng trong két.
2% là phần nạc dễ xơi
TS Lê Thẩm Dương- Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định, sự chỉ đạo sát sao của NHNN đối với các ngân hàng thành viên để gỡ "cục máu đông" đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tốc độ hạ nhiệt nợ xấu từ 8,82% cuối năm 2012 xuống còn 6% trong quý I.2013 là khá nhanh so với lộ trình mong muốn.
Đặc biệt trong hoàn cảnh công ty quản lý tài sản chưa thành lập. Việc xử lý nợ xấu hoàn toàn do các NHTM tự đảm nhận bằng việc nghiêm túc trích lập Quỹ dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, theo TS Dương, bên cạnh niềm vui vẫn tiềm ẩn nỗi lo. Theo chuẩn quốc tế, tỷ lệ nợ xấu trong ngưỡng an toàn là 3% thì hiện nay nợ xấu của ta vẫn ở mức 6%. Chưa kể 6% này lại đang tồn tại trong 1 thể trạng ngân hàng không mạnh. Việc lách trần lãi suất vẫn diễn ra.
Đặc biệt con số nợ xấu 6% vẫn chưa là con số cuối cùng. Phân tích cụ thể hơn, TS Dương nói: Con số này không hoàn toàn cố định mà có thể tăng hoặc giảm.
Trong điều kiện giảm được nữa là điều tốt. Nhưng với trường hợp xấu hơn, nợ xấu vẫn có thể tăng trở lại do các điều kiện khách quan và chủ quan. Do vậy, "phần 2% nợ xấu đã giảm” được ông Dương ví von như “phần thịt nạc dễ xơi”, còn phần 6% còn lại được đánh giá là "rất xương xẩu". “Nếu muốn giảm, hoặc là giữ nguyên tỷ lệ nợ xấu ở mức như hiện tại cũng là một nhiệm vụ không hề đơn giản", ông Dương bình luận.
Phương Hà