Tiên phong làm rừng có chứng chỉ
Là một trong những hộ nông dân đầu tiên tham gia trồng rừng có chứng chỉ quản lý rừng bên vững (FSC), đến nay, ông Lê Biên Hòa (ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, Quảng Trị) sở hữu gần 50ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ.
Theo ông Hòa, nếu như trồng rừng theo cách truyền thống, mỗi ha rừng trồng 6 - 7 năm tuổi chỉ thu được 60 - 80 triệu đồng. Nhưng trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích rừng đạt 200 triệu đồng/ha.
Cán bộ lâm nghiệp kiểm tra chất lượng rừng. Ảnh: T.L
Tỉnh Quảng Trị có hơn 22.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích rừng có chứng chỉ FSC đạt 42.000ha, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 800.000 - 1.000.000m3 gỗ xẻ. |
Chia sẻ về quá trình phát triển diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC ở đất lửa, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, những năm sau chiến tranh, độ che phủ rừng ở Quảng Trị chỉ còn 19%. Trước áp lực phát triển kinh tế, xã hội, vẫn tiếp tục mở cửa rừng tự nhiên nên rừng bị suy kiệt. Sau đó, Chương trình 327, 661 về phủ xanh đất trống đồi trọc đã góp phần lấy lại màu xanh cho những cánh rừng.
“Khi còn làm quản lý ở Công ty Lâm nghiệp Bến Hải, tôi rất trăn trở làm sao phát huy tốt chức năng của rừng, nâng cao sinh kế cho người dân sống gần rừng mà vẫn bảo tồn đa dạng sinh học. Sau đó, tôi tham gia đoàn học tập kinh nghiệm về quản lý, bảo vệ rừng ở các nước và năm 2006, tôi được tiếp cận với chứng chỉ FSC đã được Hội đồng quản trị rừng thế giới áp dụng ở nhiều nước. Nhận thấy sự ưu việt của chứng chỉ này nên Công ty Bến Hải quyết tâm áp dụng” - ông Đồng cho biết.
Tính đến cuối năm 2018, tỉnh Quảng Trị có hơn 240.000ha diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 51%, trong đó có hơn 22.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, tập trung chủ yếu ở các Công ty Lâm nghiệp Bến Hải, Công ty Lâm nghiệp Triệu Hải.
Điều đáng ghi nhận là tỉnh thành lập được Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị. Riêng nhóm hộ tham gia trồng rừng có chứng chỉ là 572 hộ gia đình với hơn 1.876ha.
Có chính sách phát triển rừng gỗ lớn
Tuy vậy, theo ông Hà Sỹ Đồng, việc triển khai trồng rừng FSC ở Việt Nam đã khó, ở Quảng Trị càng khó hơn. “Khó là bởi tiếp cận với FSC có nghĩa là chúng tôi phải trồng, chăm sóc rừng theo một nguyên tắc hoàn toàn mới với 10 nguyên tắc, 56 tiêu chí liên quan, không chỉ những diện tích rừng của công ty phải đảm bảo nguyên tắc này mà cả người dân cũng phải đồng thuận. Năm 2008, Hội đồng quản trị rừng thế giới đánh giá mô hình của Bến Hải và nhận xét còn nhiều lỗi, chưa đạt, chúng tôi vẫn quyết tâm đi theo con đường này và may mắn, năm 2010 thì thành công, Bến Hải trở thành đơn vị chủ rừng đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC” - ông Đồng thông tin.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (ở giữa) trực tiếp tham gia trồng rừng ngập mặn. Ảnh: I.T
Theo ông Đồng, khó khăn lớn nhất trong việc trồng rừng có chứng chỉ chính là tâm lý nghi ngại của người dân về chứng chỉ FSC. Theo quy trình cũ, người dân trồng rừng theo phương thức đơn giản, nhưng theo quy trình mới, bà con phải ghi nhật ký trồng, chăm sóc, thậm chí vào rừng cũng phải có trang phục khác.
“Nhưng vượt qua được khó khăn ấy, trồng rừng theo FSC sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cả về kinh tế và môi trường. Hiệu quả kinh tế có thể tăng 30 - 40%, thậm chí 50% do rừng khai thác là rừng gỗ lớn. Nhưng điều quan trọng hơn, tham gia FSC, sức khỏe của người trồng rừng được bảo vệ, môi trường không bị tổn thương, gỗ có nguồn gốc xuất xứ nên tiêu thụ thuận lợi, ở đâu cũng được” - ông Đồng nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu 42.000ha rừng có chứng chỉ FSC vào năm 2025, tỉnh Quảng Trị sẽ rà soát, điều chỉnh, quy hoạch đất lâm nghiệp theo hướng ưu tiên, mở rộng diện tích đất phát triển rừng sản xuất, từng bước có kế hoạch chuyển từ rừng trồng gỗ dăm sang kinh doanh rừng gỗ lớn.
Tỉnh cũng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách bảo lãnh tín dụng cho người trồng rừng FSC để họ có thêm điều kiện trồng rừng bền vững.