Dân Việt

Hà Tĩnh: Dịch bệnh liên miên bèn bỏ heo nuôi lươn lại hóa hay

Nguyễn Duyên 12/11/2019 06:15 GMT+7
Khi chăn nuôi heo xảy ra dịch bệnh triền miên, rồi giá heo hơi hôm nay xuống, tháng sau lại lên gây thiệt hại lớn cho gia đình, khiến ông Nguyễn Thành Biên chán nản. Qua tìm hiểu, ông Biên, thôn 6, xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định cải tạo hệ thống chuồng nuôi heo thành bể nuôi lươn không bùn. Qua 5 tháng thả nuôi lươn không bùn ông Biên đã thấy được hiệu quả kinh tế.

Ông Biên cho phóng viên DANVIET.VN biết: Từ cuối năm 2018, dịch tai xanh xảy ra trên đàn heo khiến gia đình bị thiệt hại không nhỏ. Dịch tai xanh qua đi, ông nuôi heo lại thì sang năm 2019 lại xẩy ra dịch tả lợn châu Phi. Lợn ông nuôi nhiễm dịch chết sạch chuồng trại đành bỏ không.

img

Sau 5 tháng thả nuôi, lươn nuôi không bùn trong chuồng heo cũ của gia đình ông Biên phát triển tốt. Ảnh: N. Duyên.

Hai đợt dịch bệnh gây thiệt hại cho gia đình gần 50 triệu đồng tiền vốn đầu tư mua giống heo, thức ăn chăn nuôi. Những hôm chán, ông Biên lên mạng internet tìm hiểu, đọc thêm sách báo về các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, cách làm giàu ở nông thôn, làm giàu trong nông nghiệp. Và ông thấy mô hình nuôi lươn không bùn là khả thi nhất nên quyết định cải tạo lại chuồng nuôi heo thành bể nuôi lươn không bùn.

“Khi lên mạng internet tìm hiểu, tôi thấy những nơi khác họ nuôi lươn không bùn khá thành công. Lúc đó tôi nghĩ sao ở nơi khác người ta nuôi được mà sao mình lại không nuôi được? Nghĩ là làm, thế là tôi gom góp tiền bạc cải tạo chuồng heo cũ, mua lươn giống về thả...”, ông Biên tâm sự.

Thời điểm ông Biên nuôi lươn không bùn ại đúng đợt huyện Cẩm Xuyên khuyến khích người dân mở rộng, phát triển mô hình nuôi loài con mới. Thế là ông Biên nhận được sự hỗ trợ của địa phương về lươn giống, còn Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ chuyển giao, tập huấn kỹ thuật nuôi lươn không bùn. Từ những chuồng heo cũ, ông Biên cải tạo thành bể nuôi lươn không bùn và thả nuôi 8.000 con lươn giống.

img

Từ hệ thống chuồng nuôi heo bỏ không, ông Biên cải tạo làm bể nuôi lươn không bùn. Ảnh: N. Duyên.

Với 6 ô chuồng nuôi heo, ông Biên lát gạch 3 ô, còn 3 ô ông dùng bạt lót để thả lươn giống. Ông chia đều 8.000 con lươn giống thả trong 6 bể. Sau 5 tháng thả nuôi, đến nay đàn lươn phát triển tốt, trọng lượng lươn đạt trung bình đạt 0,1kg/con.

Nói về việc nuôi lươn không bùn, ông Biên cho hay: Nuôi lươn không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải chăm chỉ, quan tâm sát sao. Tỷ lệ lươn nuôi của gia đình tôi hao hụt ít. Ngành chức năng khuyến cáo tỷ lệ hao hụt lươn nuôi không bùn khoảng 20%. Nhưng thực tế tôi nuôi tỷ lệ hao hụt chưa đến 10%. Chi phí đầu tư thức ăn cho lươn không cao. Còn chuồng trại thì tận dụng được chuồng nuôi heo ngày trước. 

img

Mỗi con lươn đã đạt trọng lượng trung bình 0,1kg/con. Ảnh: N. Duyên.

"Thức ăn của lươn khá dễ kiếm, chủ yếu là các loài cá tạp, ốc bươu vàng xay nhỏ. Loài cá tạp này ở địa phương rất nhiều, mua giá rẻ. Có thời điểm, thậm chí nhiều hộ tát ao họ cho không cá tạp. Lượng thức ăn 1 con lươn tiêu thụ mỗi ngày bằng 5% trọng lượng cơ thể. Lươn được cho ăn mỗi ngày 1 lần. Sau 2 giờ cho lươn ăn thì tiến hành vệ sinh bể nuôi và thay nước trong bể. Và cứ 5 ngày cho lươn ăn thì nghỉ một ngày, Sau 2 tháng sẽ tiến hành phân loại lươn 1 lần để tránh hao hụt bởi hiện tượng con lớn ăn con bé...", ông Biên chia sẻ kỹ thuật nuôi lươn không bùn với phóng viên DANVIET.VN.

img

Ông Biên cho biết, thức ăn của lươn là các loại cá tạp. Cá tạp được cấp đông để dùng dần cho lươn ăn. Ảnh: N. Duyên.

Theo ông Nguyễn Thành Biên, nguồn nước để nuôi lươn không bùn là nguồn nước giếng khoan. Nước được bơm lên bể chứa để phơi, lọc bớt các loại chất có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe lươn nuôi sau đó mới xả vào các bể. Khoảng 7 - 10 ngày sẽ tiến hành tiêu độc khử trùng bể nước bằng dung dịch chuyên dùng.

"Cùng một đơn vị diện tích, nhưng nuôi lươn không bùn an toàn, không gây ô nhiễm và không tốn thức ăn như nuôi heo, gà. Giá bán lươn thịt hiện nay là 120.000/kg, mỗi ô nuôi như vậy đến kỳ thu hoạch sẽ đạt sản lượng 60 - 70 kg lươn thịt. Như vậy, có thể thấy nuôi lươn hiệu quả hơn nhiều lần so với nuôi heo", ông Biên so sánh. 

img

Những chiếc sạp được đặt giữa bể để làm chỗ trú ẩn cho lươn. Ảnh: N. Duyên.

"Thời gian gần đây, có rất nhiều đoàn từ các huyện khác trong tỉnh Hà Tĩnh đến tìm hiểu về mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình tôi", ông Biên cho biết.

Trao đổi với phóng viên DANVIET.VN, ông Nguyễn Tiến Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng cho biết: Mô hình nuôi lươn không bùn của ông Biên là mô hình đầu tiên của xã. Hiện nay, tuy chưa có thu nhập nhưng qua quá trình chăn nuôi, theo dõi có thể khẳng định là việc nuôi lươn thật sự mang lại hiệu quả.

"Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, khó lường và không biết bao giờ thì chấm dứt. Tại xã Cẩm Thăng đã tiêu hủy hơn 60 tấn lợn hơi và còn số này vẫn đang tiếp tục tăng. Thời điểm này, số chuồng trại nuôi lợn bỏ không trong dân đang rất nhiều nên việc ông Biên nuôi thành công lươn không bùn trong chuồng lợn tận dụng như thế sẽ là mô hình để bà con học tập và làm theo, nhất là khi ông Biên lại đang giữ cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã".