Dân Việt

Nuôi cá chép thịt ăn giòn như tràng lợn, bán chạy như tôm tươi

Thành Nam 14/11/2019 06:15 GMT+7
Cũng là nuôi cá chép trên sông, nhưng thứ cá chép do ông Nguyễn Văn Tung, xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường (Nam Định) nuôi có điểm kỳ lạ là thịt cá ngày càng giòn, chế biến thành món, ăn giòn như tràng lợn. Chính vì điều này mà ông Tung nuôi được con nào lái khuân đi con đó. Bí quyết làm thịt cá giòn là ở chổ ông Tung cho cá ăn một loại đậu tằm.

Thất bại nhưng…không nản

Sinh ra trên vùng đất “quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời” là xóm 1, xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nên ngay từ nhỏ ông Tung đã gắn bó với việc cấy cày. Cuộc sống cần mẫn quanh năm với mảnh ruộng, cây lúa nhưng cũng chẳng đủ ăn, ông Tung quyết định chuyển hướng sang nuôi trồng thuỷ sản.

Nghĩ là làm, ông lặn lội đi các tỉnh tham khảo cách nuôi cá lăng chấm, cá diêu hồng. Thời gian đầu, kinh nghiệm ít cộng với khí hậu không thuận lợi khiến nhiều giống cá nuôi trong ao liên tục bị chết khiến kinh tế gia đình ông lâm vào tình cảnh khốn khó.

img

Ông Tung cho đàn cá chép giòn ăn đậu tằm. Toàn bộ cơ ngơi nuôi cá của ông Tung được ông gây dựng lại sau cơn bão 2016. 

“Nhiều đêm thao thức không ngủ được, tôi lại một mình ra ao cá ngồi suy ngẫm. Vợ thấy thế thì cho là tôi dở người. Nhưng những lúc như thế tôi lại càng quyết tâm bám nghề nuôi cá. Nghĩ chắc chắn mình chưa nắm vững kinh nghiệm nuôi cá, kỹ thuật nuôi cá nên tôi lại khăn gói lên đường tìm học hỏi các mô hình nuôi cá lớn ở trong và ngoài tỉnh...:", ông Tung kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Đi một ngày đàng học một sàng khôn, ông bà nói cấm có sai. Chuyến đi đó, ông Tung thấy nhiều nơi nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao liền học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật. Sau đó, ông liền quyết định chuyển từ nuôi cá ao sang thả cá lồng trên sông Hồng.

"Nuôi cá trên sông Hồng có nhiều điểm thuận lợi. Người nuôi không phải lo nguồn nước, cá sống ở môi trường nước tự nhiên nên sức đề kháng cao, ít dịch bệnh…”, ông Tung chia sẻ.

Để làm được lồng nuôi cá, ông Tung phải "chạy đôn chạy đáo" khắp nơi hoàn thiện thủ tục. "Lên ý tưởng rồi, nhưng để vận dụng vào thì lại càng khó. Lúc bấy giờ, tôi rủ thêm người bạn ở huyện Hải Hậu cùng nuôi cá lồng. Phải mất rất nhiều lần tính toán, nghiên cứu thực địa, tìm kiếm, chúng tôi mới chọn được địa điểm xây dựng lồng nuôi cá. Nơi đặt lồng phải đáp ứng được các tiêu chí như: nước yên, cách xa dòng chảy, không bị đọng bèo, rác thải...", ông Tung nói.

Những năm đầu nuôi cá lồng trên sông Hồng ông Tung thu được lợi nhuận lớn. Cá của ông thường thơm, ngon hơn các loại cá được nuôi thả trong ao, nên lớn con nào bán hết con đó...".

Thế nhưng, "người tính không bằng trời tính", khi công việc làm ăn đang thuận lợi thì trận bão năm 2016 cuốn qua đã "quét trôi" toàn bộ số cá lồng của ông. Cơ ngơi, sản nghiệp bao năm chắt bóp, tích lũy, đầu tư với tổng trị giá gần 10 tỷ đồng bị "Hà Bá" cướp sạch. Tưởng chừng trận bão sẽ làm ông nhụt ý chí, nhưng rồi ông lại gắng gượng vay mượn tiền của xây dựng lại lồng cá. 

Trúng mánh nhờ cho cá ăn đậu tằm

Không ngừng học hỏi, mở rộng mô hình nuôi cá lồng, năm 2014, nghe bạn giới thiệu cách nuôi cá chép giòn mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Hải Dương, ông Tung đã tìm đến để học hỏi kinh nghiệm nuôi cá chép giòn, kỹ thuật nuôi cá chép giòn. Thấy mô hình nuôi cá chép giòn giúp nhiều gia đình đổi đời ở sông Kinh Thầy (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), ông đã quyết định đưa về áp dụng trên sông Hồng. Thời gian đầu, ông nuôi thử nghiệm 1 lồng cá chép giòn bằng đậu tằm. Chỉ ít tháng sau, ông đã thu hoạch xuất bán 2 tấn cá, thu lãi 30 triệu đồng, gấp 1,5 lần nuôi cá chép thông thường.

img

Ông Tung cho biết, nuôi cá chép giòn lãi gấp 1,5 lần so với nuôi cá chép thông thường.

“Lợi nhuận cao, tôi quyết định mở rộng quy mô lên thành 6 lồng cá chép giòn. Trong số này có 3 lồng ương cá giống, còn 3 lồng nuôi thương phẩm cho ăn loại đậu tằm làm giòn thịt cá. Đến nay, khu nuôi cá lồng của gia đình tôi có khoảng 30 lồng cá bao gồm nhiều loại cá ngon từ cá lăng chấm, cá diêu hồng, đến cá chép giòn…”, ông Tung tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN. 

Theo ông Tung, cá chép giòn mà ông nuôi là giống cá chép V1 được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I lai tạo từ 3 giống cá chép trắng Việt Nam, cá chép vẩy của Hungary và cá chép vàng của Indonesia. Giống cá chép lai 3 máu này có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, lớn nhanh, thịt thơm, ngon hơn các loại cá chép khác. 

img

"Những con cá chép đạt trọng lượng khoảng 2,5kg kg trở lên để tiến hành vỗ béo riêng biệt bằng thức ăn đậu tằm để thịt cá trở nên giòn, bán được giá cao, được thị trường ưa chuộng...", ông Tung chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Bật mí về kinh nghiệm nuôi cá chép giòn, ông Tung cho biết, cũng như loại cá khác, cá chép giòn sẽ được nuôi khoảng 8 tháng bằng thức ăn công nghiệp. Sau đó, người nuôi chọn lọc những con cá đạt trọng lượng khoảng 2,5kg kg trở lên để tiến hành vỗ béo bằng cách cho ăn loại đậu tằm đặc biệt. Cứ nuôi được 1 tấn cá chép giòn lại tiêu tốn khoảng 1,5 tấn đậu tằm. Sau khoảng 14 tháng nuôi (kể cả thời gian vỗ béo cho giòn thịt), cá chép đạt trọng lượng 2,5-3 kg/con. 

img

Đậu tằm dành nuôi cá chép giòn là loại đậu tằm đặc biệt có hàm lượng protein 31%, gồm đủ 8 loại axit amin thiết yếu, hàm lượng tinh bột 49%… là yếu tố quyết định thay đổi chất lượng thịt của cá và khiến thịt cá chép giòn...

“Thức ăn đậu tằm dễ kiếm, vùng trồng nhiều đậu tằm có thể kể đến là miền Trung. Gần đây, chúng tôi đã chuyển đổi sang nhập khẩu đậu tằm từ Úc, sản phẩm này không biến đổi gen, giàu chất dinh dưỡng, giàu đạm, tinh bột, do đó chất lượng của cá cũng được nâng cao. Đặc biệt, đậu tằm có hàm lượng protein 31%, gồm đủ 8 loại axit amin thiết yếu, hàm lượng tinh bột 49%… là yếu tố quyết định thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt nên cá chắc giòn”, ông Tung nói.

Theo ông Tung, người nuôi phải chú ý đến khâu cho cá ăn, đậu tằm trước khi cho cá ăn phải được ngâm trong nước từ 12-24 giờ, những hạt to phải cắt ra làm đôi. Vào những năm “mưa thuận gió hoà”, cá không bị dịch bệnh, mỗi lồng nuôi cá chép giòn bằng đậu tằm có thể thu lãi gần 70 triệu đồng. 

Cá nuôi trên sông Hồng nước chảy tuần hoàn liên tục nên cá có môi trường sống sạch, cá vận động nhiều hơn so với nuôi trong ao, nên chất lượng thịt cá dai, giòn, ít có mùi tanh như các loại cá nuôi thông thường. Với phương thức nuôi 3 lồng gối lứa, một năm ông Tung xuất bán ra thị trường các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… hơn 20 tấn cá chép giòn...

"Ngoài ra, tôi còn xen canh các lồng cá lăng chấm, diêu hồng để thu hoạch ở các thời điểm khác nhau nhằm quay vòng vốn mua thức ăn cho cá, phù hợp với điều kiện của gia đình. Doanh thu từ gần 30 lồng cá của gia đình mỗi năm đạt trên 5 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí về giống, thức ăn, khâu chăm sóc… thu lãi khoảng 1 tỷ đồng”, ông Tung cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết.