Dân Việt

Phía sau “miếng bánh” nửa tỷ USD ở dự án La Sơn - Túy Loan

Vinh Hải 12/11/2019 14:36 GMT+7
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo Hợp đồng BT có vốn đầu tư hơn 10.369 tỷ đồng dự kiến hoàn thành năm 2016. Nhưng đến nay, sau khi đã huy động được gần 500 triệu USD dự án vẫn chưa hoàn thành, còn lãi vay dự án đang phải trả từng ngày.

 Có nhiều câu chuyện đáng lưu tâm phía sau việc sử dụng “miếng bánh” nửa tỷ USD kể trên.

Liên danh hoành tráng, dự án trễ hẹn

Ngày 14/8/2014, tại 80 Trần Hưng Đạo (TP Hà Nội) ông Nguyễn Hồng Trường – nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT đã ký Hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) dự án phân kỳ giai đoạn 1 – Xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan.

img

Có nhiều câu chuyện đáng lưu tâm phía sau việc sử dụng “miếng bánh” nửa tỷ USD này. Ảnh: Nam Cường.

Liên danh các nhà đầu tư tham gia dự án bao gồm: Liên danh Công ty TNHH MTV Tổng đội TNXP Trường Sơn và Tổng Công ty Xây dựng số 1 TNHH MTV; Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn – Bộ Quốc phòng; Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 – CTCP; Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Xây dựng Vạn Tường; Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh; Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.

Doanh nghiệp dự án BT là Công ty TNHH Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan do ông Lê Ngọc Ẩn làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên. Ông Ẩn đồng thời là Chủ tịch Công ty TNHH MTV Tổng đội TNXP Trường Sơn.

Liên danh các nhà đầu tư được Bộ GTVT đánh giá có đủ năng lực để triển khai dự án “đã được chuẩn bị nhiều năm”.

Theo Hợp đồng BT, thời gian thi công dự án là 36 tháng kể từ ngày khởi công và có thể được điều chỉnh theo Điều 38 Nghị định 48/2010/NĐ-CP.  Nghĩa là, theo dự kiến ban đầu dự án sẽ được hoàn thành trong năm 2016.

Ngay trong quá trình thi công dự án, Bộ GTVT đã nhiều lần phải đốc thúc tiến độ dự án. Như cuối tháng 11/2015, dự án mới hoàn thành được khoảng 20% trong khi khối lượng giải phóng mặt bằng đã đạt 86%.

Đáng lưu ý, ngay sau khi ký hợp đồng BT, được sự bảo lãnh của Chính phủ ngày 29/9/2014 Công ty Đầu tư BT Cam Lộ Túy Loan đã ký hợp đồng tín dụng với một nân hàng nước ngoài với lãi suất 2,525%/năm cho gói tín dụng 510 triệu USD để thực hiện dự án. Nghĩa là nguồn vốn thực hiện dự án được vay gần như toàn bộ và đã được giải ngân vào ngày 25/8/2015.

Nhưng đến nay tuyến đường La Sơn – Túy Loan dài 77km vẫn đang trong trạng thái “cơ bản hoàn thành”.

Ngày 16/8 vừa qua, trong buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng để gỡ nút thắt cuối cho dự án, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết dự án đang phải chịu áp lực trả lãi vốn vay trong tình trạng chậm giải phóng mặt bằng, kéo dài tiến độ. Đến nay đã phải trả đến lần thứ 4, tổng tiền 132 triệu USD.

 “Tay không” bắt dự án chục nghìn tỷ

Hợp đồng BT được ký giữa Bộ GTVT với liên danh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có quy định: vốn chủ sở hữu 1.111,9 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư , doanh nghiệp BT tự thu xếp vay từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khoảng 9.257 tỷ đồng.

img

Đến nay tuyến đường La Sơn – Túy Loan dài 77km vẫn đang trong trạng thái “cơ bản hoàn thành”. Ảnh: Nam Cường

Nhà đầu tư, Doanh nghiệp BT có nghĩa vụ thu xếp vốn để thực hiện Dự án theo đúng tiến độ quy định tại hợp đồng này và định kỳ báo cáo việc huy động vốn với Bộ GTVT.

Thời điểm đó, một trong những điều kiện tiên quyết để ký hợp đồng BT là lãi suất thanh toán  cho nhà đầu tư, Doanh nghiệp BT trả sau khi công trình được hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.

Thực tế, việc huy động vốn chủ sở hữu và sử dụng khoản tiền vay gần nửa tỷ USD cho dự án La Sơn – Túy Loan như thế nào?

Theo tài liệu Dân Việt có được, đến thời điểm tháng 9/2015 – hơn một năm sau khi hợp đồng BT được ký, vốn góp chủ sở hữu mới đạt hơn 409 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp bằng tiền là 108 tỷ đồng, vốn góp bằng ký quỹ Ngân hàng là 301 tỷ đồng.

Trong khi đó, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP quy định Nhà đầu tư hoặc Doanh nghiệp dự án phải tự thu xếp các nguồn vốn để thực hiện Dự án theo thỏa thuận tại Hợp đồng dự án.

Đối với Dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của Doanh nghiệp dự án được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau: Đối với phần vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của Doanh nghiệp dự án không được thấp hơn 15% của phần vốn này; Đối với phần vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của Doanh nghiệp dự án không được thấp hơn 10% của phần vốn này.

Bên cạnh đó, trong Hợp đồng BT (Ký tắt) giữa Bộ GTVT và Liên danh Đầu tư BT Cam Lộ Túy Loan và Doanh nghiệp BT cũng nêu rõ tiến độ huy động vốn cho dự án từ năm 2014 – 2016. Cụ thể, vốn chủ sở hữu (lũy kế) đến tháng 9/2015 phải đạt hơn 472 tỷ đồng, đến hết năm 2015 đạt 555 tỷ đồng.

Tổng vốn chủ sở hữu đến hết năm 2016 phải đạt 1.111 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 30/9/2019 vốn đăng ký của doanh nghiệp BT mới đạt hơn 752 tỷ đồng.

Vậy ở thời điểm tham gia dự án liên danh nhà đầu tư, Doanh nghiệp BT đã đáp ứng được yêu cầu về vốn chủ sở hữu hay chưa?

Trả lời câu hỏi này của Dân Việt, ông Lâm Văn Hoàng – Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư) cho rằng: “Tại thời điểm lựa chọn, Liên danh Nhà đầu tư đã đáp ứng được năng lực về vốn chủ sở hữu và kinh nghiệm theo yêu cầu, pháp luật hiện hành. Thực hiện đúng quy định Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, Liên danh Nhà đầu tư đã thành lập doanh nghiệp BT để thực hiện dự án là Công ty TNHH Đầu tư BT – Cam Lộ Túy Loan”.

Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt về số vốn chủ sở hữu góp ở thời điểm ký Hợp đồng BT, ông Phạm Hồng Sơn – nguyên Tổng Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thời điểm đó (hiện là Tổng Giám đốc Ban QLDA 2, Bộ GTVT) cho biết không nhớ rõ và sẽ kiểm tra lại các quy định liên quan.

Bài tiếp: Khoản vay nửa tỷ USD cho dự án La Sơn – Túy Loan đến từ đâu?

Dân Việt đã đặt câu hỏi với đại diện chủ đầu tư về nguồn vốn vay nửa tỷ USD đến nay còn lại bao nhiêu tiền, việc sử dụng khoản tiền sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Lâm Văn Hoàng trả lời: “Hiện nay, dự án vẫn đang trong quá trình triển khai thi công và giải ngân, thanh toán, chưa có cơ sở để xác định chính xác nguồn vốn vay kể trên còn lại bao nhiêu?!”.