Dân Việt

Từ đôi bàn tay người lính...

02/03/2013 08:01 GMT+7
(Dân Việt) - Từ một xí nghiệp nhỏ, nợ nần chồng chất, những người lính của Tổng Công ty 36 - Bộ Quốc phòng đã chung tay xây dựng nên một Tổng Công ty có tốc độ phát triển thần kỳ. Ngày 2.3, những người lính ấy vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

1. Nhìn lại quá khứ, tháng 9.2003, đại tá Nguyễn Đăng Giáp khi ấy là chỉ huy trưởng công trường Thủy lợi Môn Sơn được điều về làm Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp 36, thuộc Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng trong bối cảnh xí nghiệp làm ăn thua lỗ, Binh đoàn 11 có ý định giải thể. Nhìn trụ sở là mấy dãy lán lợp tôn dột nát, cũ kỹ, dựng nhờ ở khu T1 sân bay Nội Bài với vài cỗ máy cổ lỗ… “người lính đi đầu hàng quân” ấy đã không nản, anh trực tiếp xắn tay đi đàm phán nhận các công trình, trực tiếp chỉ đạo xây dựng các công trình (điều hành trực tuyến thông qua các màn hình điện tử)…

Phong cách làm việc ấy của anh giờ vẫn duy trì: Làm trực tiếp, nảy lửa, quyết đoán. Anh đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng công trình giảng đường ĐH Kinh tế Quốc dân, khách sạn 5 sao - Bộ Quốc phòng (Hà Nội), Thủy điện Khe Bố, công trình đường Hoàng Mai (Nghệ An)…

img
Trung tâm Bom mìn - Tổng Công ty 36 đang tham gia xử lý bom mìn tại Quảng Trị.

“Tướng” nhiệt huyết, “quân” tinh nhuệ, chỉ 3 năm sau - năm 2006 Xí nghiệp 36 lớn mạnh thành Công ty 36, giá trị lợi nhuận tăng gấp 10 lần. Ngay sau đó, Công ty 36 tiếp nhận nhiều công ty thành viên, trong đó có Công ty 56 đang trên bờ vực phá sản - nợ trên 130 tỷ đồng. Công ty 36 nhanh chóng bố trí đủ công ăn việc làm cho hơn 400 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, CNQP và hơn 1.000 lao động, thu hồi công nợ, xử lý xong số lỗ… Bước tiếp bước, tới giờ, những người lính ở Tổng Công ty 36 đã có “ngôi nhà” gồm 18 thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực

2. Trong khủng hoảng, người lính ở Tổng Công ty 36 càng khẳng định bản lĩnh. Năm 2008, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ít doanh nghiệp dám đầu tư thì Tổng Công ty 36 đã đầu tư hơn 700 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị xây dựng, tạo sức bật thi công hàng trăm công trình trong những năm sau.

Nhờ có máy móc hiện đại, năm 2010, Công ty đã ký hợp đồng xây dựng tới hết năm 2012. Với vai trò nhà thầu, người lính nơi đây đã tìm mọi cách giúp chủ đầu tư tiếp cận các nguồn vốn để thi công tiếp công trình, tránh bỏ hoang gây lãng phí, như công trình Thủy điện Khe Bố; công trình giảng đường ĐH Kinh tế Quốc dân… Sự đồng cam cộng khổ đã giúp Tổng Công ty 36 phát triển vững vàng, doanh thu năm 2012 đạt tới gần 3.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2011.

3. Công trình Coma18 tại Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) là một trong những công trình xây dựng chỉ có Tổng Công ty 36 mới dám nhận thi công vì làm 4 hầm ngầm, móng đào cách khu vực nhà dân chỉ có… 30cm. Đại tá Trần Đăng Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cho biết, bình thường với cự ly đó, việc thi công sẽ làm sụt lún nhà dân. Tuy nhiên, Tổng Công ty 36 có dàn máy móc cực kỳ hiện đại trị giá tới gần 50 tỷ đồng, cộng với “dàn” lính - kỹ sư được đào tạo bài bản để vận hành máy nên những khó khăn ấy đều được những người lính 36 hóa giải, xây dựng công trình an toàn, đúng tiến độ…

Chia sẻ và tri ân là hoạt động thường xuyên của người lính Tổng Công ty 36. Từ năm 2008, quân nhân trong Tổng Công ty đã đóng góp trên 30 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, đồng bào bị thiên tai, xây đài tưởng niệm ở Gio Linh (Quảng Trị); Truông Bồn (Nghệ An). Tổng Công ty còn nhận trên 300 con em gia đình chính sách vào làm việc. Thu nhập bình quân của lao động đạt 5,8 triệu đồng/tháng.

Từ chữ “trung”, chữ “tín”, Tổng Công ty 36 tham gia và trúng thầu hàng trăm công trình lớn, có tổng giá trị xây dựng hàng ngàn tỷ đồng, trong đó có trụ sở Văn phòng Chính phủ, Trung tâm Sản xuất chương trình Đài Truyền hình Việt Nam; hội trường Bộ Quốc phòng…

4. Trung úy Nguyễn Văn Độ - công nhân Công ty 56 cũ (đơn vị sáp nhập vào Tổng Công ty 36) có lẽ sẽ mãi là một lao động hợp đồng nơi biên giới tỉnh Đăk Nông, dù anh đã gắn bó với quân đội nhiều năm. Thời điểm đó (năm 2006), dù công việc cực kỳ bề bộn nhưng khi đi công trường, việc đầu tiên của đại tá Nguyễn Đăng Giáp là lắng nghe công nhân nói. Khi nghe anh Độ trình bày việc anh và nhiều công nhân gắn bó với quân đội nhiều năm mà chưa được vào biên chế, đại tá Giáp đã hứa sẽ giải quyết.

Ngay sau đó, những công nhân quốc phòng làm việc ở vùng sâu, xa như anh Độ được vào biên chế. Hiện anh đã mang quân hàm trung úy - Đội trưởng Đội xây lắp số 34 thuộc Công ty 36.68 - Tổng Công ty 36. Chia sẻ với NTNN, anh Độ bày tỏ: “Sự quan tâm của Tổng Công ty đã tạo đoàn kết của anh em trong toàn đơn vị với niềm tin sâu sắc: Không ai làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng mà bị quên lãng”.