Dân Việt

Đề xuất ACV xây sân bay Long Thành: Chưa có tiền lệ chỉ định thầu DA đầu tư công

Thế Anh 12/11/2019 16:09 GMT+7
Ngày 12/11, tại phiên thảo luận của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, trước nay chưa từng có việc Quốc hội chỉ định thầu cho một doanh nghiệp thực hiện 1 dự án đầu tư công.

Báo cáo về dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Dự án sân bay Long Thành là dự án mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư”.

“Đối với các hạng mục được đầu tư tại sân bay Long Thành sẽ được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nếu có công nghệ mới tốt hơn, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, cập nhật để phù hợp với thời điểm đó”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

img

Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành.

Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, dự án sân bay Long Thành là dự án mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, do đây là sân bay gắn liền với an ninh quốc gia nên chỉ có thể đấu thầu trong nước. Theo Luật Đấu thầu, sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, sẽ cần thời gian cho doanh nghiệp nghiên cứu, quyết định tham gia. Tiếp đó là khâu chấm thầu, công bố trúng thầu.

Trước những lo lắng của các Đại biểu về việc huy động nguồn lực trong nước trước - chỉ khi nào nguồn lực trong nước không đảm bảo mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, hiệu quả kinh tế của dự án sân bay Long Thành là rất cao và sẽ không có một sân bay nào hiệu quả tốt hơn, nhất là trong giai đoạn 1, giai đoạn 2.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế ông Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo lắng về việc đề xuất Quốc hội quyết định việc giao ACV đầu tư dự án sân bay Long Thành. Trong tổng số 4 hạng mục triển khai tại dự án thì có tới 3 hạng mục được giao ACV, một hạng mục giao Tổng công ty Quản lý bay (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước).

“Việc Quốc hội chỉ định thầu cho một doanh nghiệp cụ thể thực hiện một dự án đầu tư công, trước nay chưa từng có”, ông Thanh phân tích

Những lo lắng này cũng xuất phát từ việc, hiện nay ACV không phải là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, bởi ACV đã cổ phần hoá và chỉ còn lại 95% vốn Nhà nước, về nguyên tắc ACV vẫn là công ty cổ phần. Qua đó, việc quyết định giao dự án sẽ thực hiện theo Điều 22, Luật Đấu thầu. Do vậy, thẩm quyền quyết định hoàn toàn thuộc Chính phủ.

Theo báo cáo của Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư  111.689 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD). ACV dự kiến sẽ là chủ đầu tư của 3/4  hạng mục của dự án. Nếu được Quốc hội thông qua Dự án sẽ khởi công dự án vào năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025.

Dự án sẽ được xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực vớ quy mô đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa năm.

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.