Những cánh đồng tiền tỷ
Sau khi địa phương bắt tay vào xây dựng NTM, gia đình ông Hoàng Văn Chính và nhiều nông dân ở xã Tàm Xá, huyện Đông Anh đã được địa phương hỗ trợ dồn điền đổi thửa, cải tạo ruộng đất và chuyển đổi cây trồng từ lúa, khoai sang trồng quất cảnh.
Nghề trồng quất cảnh đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
"Thời gian tới huyện sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành các đề án thành phần trong Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận. Qua đó, không chỉ tạo diện mạo mới cho toàn huyện mà còn bảo đảm xây dựng đô thị hiện đại, thông minh, bền vững”. Ông Nguyễn Xuân Linh |
Theo ông Chính, tuy trồng quất cảnh phải chăm sóc vất vả hơn, nhưng sau khi trừ chi phí, mỗi năm vườn quất cho thu nhập hơn 500 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, ngô trước đây.
Được biết, hiện nay, xã Tàm Xá đã chuyển đổi được hơn 100ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nhiều loại cây khác, trong đó có hơn 55ha quất cảnh, đem lại thu nhập bình quân lên tới gần 2 tỷ đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Văn Thiềng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 1.743ha đất lúa sang trồng rau an toàn, hoa cây cảnh, nuôi thủy sản. Nhìn chung, các mô hình sản xuất mới đều phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Dù là huyện ngoại thành nhưng sau gần 10 năm triển khai xây dựng NTM, huyện Đông Anh đã có bước phát triển vượt bậc. Từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đến nay huyện đã có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, tổng thu nhập bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đã đạt trên 250 triệu đồng; tổng diện tích đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng gần 1.800ha.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết: "Kinh nghiệm của huyện là tập trung nhiều giải pháp, đề án hỗ trợ nông dân như: Đề án phát triển nghề trồng nấm rơm; Đề án ứng dụng cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể nếp cái hoa vàng Đông Anh…”.
Ngoài trồng trọt, Đông Anh cũng đã xây dựng được 11 trang trại chăn nuôi an toàn theo hướng mô hình VietGAP; áp dụng công nghệ cao, mang lại giá trị, hiệu quả cao như: Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Hòa Phát của ông Nguyễn Văn Hiệu (xã Tiên Dương) doanh thu bình quân 50 tỷ đồng/năm; trang trại nuôi gà siêu trứng của ông Hoàng Minh Ngọc (xã Liên Hà), doanh thu khoảng 80 tỷ đồng/năm…
Nỗ lực đạt nhiều mục tiêu
Cũng theo ông Linh, với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, Đông Anh đã tự tháo gỡ những khó khăn bằng cách chọn các tiêu chí ít vốn đầu tư để thực hiện trước. Nhờ vậy, từ một huyện còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng hạ tầng nông thôn, sau 10 năm, Đông Anh đã có sự phát triển vượt bậc trên mọi mặt. Đến nay, huyện đã xây dựng, cải tạo được gần 800km đường giao thông nông thôn; 117 nhà văn hóa thôn, 8 trung tâm văn hóa xã…
Chia sẻ thêm về nhiệm vụ sắp tới, ông Linh cho hay: Đông Anh xác định công cuộc xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Để hướng đến mục tiêu xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, trước tiên, huyện sẽ chú trọng rà soát lại từng tiêu chí để có đánh giá thực chất, chính xác, kịp thời hơn.
"Hiện, trên địa bàn huyện đã có 22/23 xã đạt chuẩn NTM, chỉ còn xã Dục Tú đạt 17/19 tiêu chí. Bởi vậy, huyện đang chỉ đạo địa phương này nhanh chóng hoàn thành 2 tiêu chí còn lại là môi trường và trường học để cán đích NTM vào cuối năm 2019. Đối với các xã đã về đích, cần tiếp tục xây dựng kế hoạch, giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong đó, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo vành đai xanh gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp" - ông Linh nhấn mạnh.