Dân Việt

Giá lợn hơi tăng kỷ lục, lãnh đạo Cục Chăn nuôi lý giải vì sao?

Minh Ngọc 13/11/2019 13:30 GMT+7
Giá lợn hơi trong những ngày qua tiếp tục tăng cao kỷ lục, đỉnh điểm giá lợn hơi miền Bắc có nơi đã cán mốc 75.000 đồng/kg; trong khi giá lợn hơi ở miền Nam cũng đã tiệm cận mức giá miền Bắc. Theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), có nhiều nguyên nhân đẩy giá lợn hơi trên thị trường tăng chóng mặt nhưng cũng không loại trừ khả năng có hiện tượng thổi giá.

img

Nguồn cung không quá thiếu hụt

Ông Nguyễn Xuân Dương nhận định, giá lợn hơi tăng đột biến không phải là nguyên nhân đến từ nguồn cung, mà do vấn đề lưu thông. Trong 63 tỉnh, thành chỉ có 9 tỉnh là vượt trên giá 70.000 đồng/kg, còn đa số đang biến động ở mức từ 58.000 - 65.000 đồng/kg.

“Rõ ràng ở một số địa phương người giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được nguồn cung thịt lợn. Ngoài vấn đề lưu thông, đang có hiện tượng thương lái nhân cơ hội này thổi giá để trục lợi” - ông Dương khẳng định.

Tại kho trung chuyển lợn của Tập đoàn CP ở huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) ngày 11/11 có lứa lợn hơn 300 con chuẩn bị xuất bán, với trọng lượng trung bình từ 100 - 130kg. Tuy nhiên, điều đặc biệt là giá xuất chuồng tại đây chỉ có 66.000 đồng/kg, thấp hơn gần 10.000 đồng so với giá của thương lái bán ra và của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

img

 Thương lái thu mua lợn hơi tại gia đình ông Dương Văn Cốc, xã Việt Ngọc (Tân Yên, Bắc Giang). (ảnh: Minh Ngọc)

Trong khi đó, tại gia đình ông Dương Văn Cốc (xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, Bắc Giang), chúng tôi tận mắt chứng kiến thương lái tới bắt lợn với giá 75.000 đồng/kg, cân xong trả tiền. Thời gian này trang trại của ông Cốc xuất bán 400 - 500 con lợn ra thị trường mỗi ngày.

Khi chúng tôi tỏ ra băn khoăn tại sao giá lợn Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam đang niêm yết tại cửa trại chỉ 66.000 - 68.000 đồng/kg mà ông phải mua tận 75.000 đồng/kg, ông Trung cho biết, những lò mổ nhỏ hay khách hàng mua lẻ vài chục con gần như không thể mua lợn trực tiếp từ CP hay Dabaco mà đều phải qua những đại lý lớn nên luôn phải cộng thêm 5 - 7 giá, tính ra giá thành móc hàm tại lò mổ của ông Trung hiện đã lên tới 100.000 đồng/kg.

Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không muốn giá lợn hơi tăng quá cao như hiện nay mà chỉ muốn giá lợn ổn định xung quanh mốc 65.000 đồng/kg nhưng việc giữ và kìm giá đang là bài toán rất nan giải với doanh nghiệp.

Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp lâu dài

Đến thăm mô hình của HTX hữu cơ Bình Minh (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi hàng trăm chú lợn vẫn khỏe mạnh, chuẩn bị xuất chuồng. Ông Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc HTX cho biết, hiện mô hình chăn nuôi lợn của HTX đang có trên 10 hộ gia đình tham gia. Sau khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi để cho đàn lợn khỏe mạnh và phát triển bình thường, ngoài việc phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột làm sạch chuồng trại, HTX đã hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi sử dụng bộ chế phẩm vi sinh để đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi. 

 Trước dự báo thiếu thực phẩm thì sẽ tập trung bằng cách bồi dưỡng để làm sao cho tăng sản lượng ngay tại thời điểm này cân đối đảm bảo không khủng hoảng thiếu thực phẩm như Trung Quốc”.
 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Tại trang trại của anh Nguyễn Văn Chuyết - thành viên HTX Hữu cơ Bình Minh, đàn lợn hơn 400 con vẫn rất khỏe mạnh, phát triển đều, chuồng trại được phun thuốc khử trùng ở vòng ngoài, bên trong thì rắc vôi bột.

“Để giữ được đàn lợn được phát triển tốt, không bị dịch bệnh, tôi đã sử dụng thức ăn từ các chế phẩm sinh học, ngoài ra phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại”- anh Chuyết phấn khởi chia sẻ.

Lý giải bí quyết vì sao giữ được đàn lợn con sống sót kì diệu qua đợt dịch, ông Dương Văn Cốc cho biết, để kiểm soát được dịch bệnh, chỉ có thể áp dụng các giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi thì mới có thể giữ được đàn lợn.

Đánh giá việc áp dụng các biện pháp sinh học để chống lại dịch tả lợn châu Phi của một số hộ chăn nuôi ở Bắc Giang, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định: “Đây là biện pháp chăn nuôi rất hiệu quả, phù hợp trong điều kiện chúng ta không thể công nghiệp hóa ngành chăn nuôi, nhưng vẫn phải phát triển chăn nuôi ở các hộ, trang trại vừa và nhỏ”.

“Để giải quyết khâu lưu thông, ngành chăn nuôi đã đưa ra các giải pháp đầu tiên là thông tin kịp thời đầy đủ về nguồn và giá lợn ở từng địa phương, có mức ổn định và phù hợp. Hai là, kiểm soát chặt chẽ thị trường trong khâu lưu thông, tránh việc tự đẩy giá của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Cuối cùng là đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh tránh tình trạng bùng phát trở lại” - ông Dương nhấn mạnh. 

Không tái đàn vô lối
Trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề giá lợn hơi tăng dẫn đến nguy cơ thiếu thịt cho những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã họp và chỉ đạo tập trung xử lý, xác định rõ 3 nguyên tắc: Trước hết là bảo đảm an toàn dịch bệnh, không để bung ra dịch bệnh. Hai là, phải tổ chức sản xuất theo chuỗi. Ba là, phải có thị trường chứ không thể sản xuất ồ ạt một lúc. “Trước tình hình khả năng dự báo thiếu thực phẩm thì sẽ tập trung bằng cách bồi dưỡng để làm sao cho tăng sản lượng ngay tại thời điểm này cân đối đảm bảo không khủng hoảng thiếu thực phẩm như Trung Quốc” - ông Cường nói. 
P.V


Cần tính đến nhập khẩu?
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, ngày 21/10/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 12/CT-BCT trong đó có nhiều nội dung liên quan đến bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan chủ động tham mưu hoặc có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo khi có nhu cầu.
Về phía các địa phương, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân và khả năng tự cung ứng địa phương, các tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa để tổ chức bán ra thị trường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết của nhân dân.     
Anh Thơ