Tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng đã làm nức lòng người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh chính thức lên tiếng xác nhận thông tin trên đồng thời tiết lộ thêm nhiều chi tiết về đơn vị tài trợ giúp VFF trả lương cho HLV Park Hang Seo thay Bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức).
Trả lương thầy Park, mở trường đại học phi lợi nhuận
Dù không được tiết lộ con số cụ thể nhưng mức lương của vị huấn luyện viên được đánh giá là đã thay đổi lịch sử bóng đá Việt Nam được đồn đoán là cao nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.
Còn theo tờ nhật báo thể thao hàng đầu tại Thái Lan Siam Sport, mức lương mà HLV Park Hang Seo rơi vào khoảng 1,2 triệu USD/Năm (gần 28 tỷ đồng), tổng giá trị hợp đồng khoảng trên 83 tỷ đồng. Nếu đúng như những con số được đưa ra thì theo biểu thuế luỹ tiến, mức thuế thu nhập cá nhân mà thầy Park nộp cho ngân sách vào khoảng 780 triệu đồng/tháng.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, mỗi năm Tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng cũng sẽ phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng theo hợp đồng đã ký kết với VFF.
Tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng sẽ chi hàng chục tỷ đồng trả lương cho HLV Park Hang Seo
Đây cũng không phải lần đầu tiên tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thể hiện sự “quan tâm” tới môn thể thao vua. Thực tế, trong vòng hơn 10 năm qua, Vingroup của vị tỷ phú này cũng thường xuyên đầu tư cho bóng đá Việt Nam một cách âm thầm. Không rầm rộ, xuất hiện nhiều như bầu Đức, bầu Hiển nhưng ông Vượng vẫn là một người đam mê bóng đá, vì thế mà vị tỷ phú này chẳng ngần ngại đầu tư vào môn thể thao vua.
Còn nhớ, theo thống kê năm 2018 của trang Goal về những ông chủ người châu Á giàu có nhất đang đầu tư vào lĩnh vực bóng đá có một đại diện của Việt Nam góp mặt trong danh sách.
Cũng không phải là những cái tên thường xuất hiện trên mặt báo như ông Đoàn Nguyên Đức của HAGL hay ông Đỗ Quang Hiển của đội bóng ĐKVĐ V-League 2018, CLB Hà Nội mà lần này là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông chủ của trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF. Tuy có sự khác biệt so với những ông chủ đội bóng khác, tỷ phú Phạm Nhật Vượng không đầu tư vào một CLB cụ thể, mà lại quyết định dồn lực đầu tư phát triển bóng đá trẻ ở Việt Nam.
Trong bản danh sách này còn rất nhiều các tỷ phú đang sở hữu các CLB danh tiếng ở châu Âu như Sheikh Mansour (Man City), Zhang Jindong (Inter Milan), Vichai (Leicester City), Farhad Moshiri (Everton) hay Vincent Tan (Cardiff City).
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính là người đứng sau chiến công lịch sử của U19 Việt Nam thông qua cái tên PVF. PVF là quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam, một tổ chức phi Chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận. Quỹ này được sáng lập và đóng góp vốn bởi 3 thành viên thuộc tập đoàn Vingroup, gồm Quỹ Thiện Tâm (đóng góp 80%), công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại PFV (10%) và công ty TNHH MTV Vinpearl (10%).
Không chỉ vậy, ông Vượng cũng không quên đến quê hương mình. Sau khi CLB Hà Nội B chính thức công khai chuyển tên thành CLB Hà Tĩnh, có nhiều nguồn tin cho rằng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã đàm phán thành công tài trợ cho bóng đá tỉnh nhà. Vingroup của ông chỉ hỗ trợ về tài chính chứ không can thiệp vào việc điều hành, tên của CLB cũng không ảnh hưởng quá nhiều.
Cũng trong năm 2018, khi các đài truyền hình của Việt Nam gặp khó khăn trong đàm phán, Vingroup chính là đơn vị tổng tài trợ mua bản quyền cho 2 giải VCK World Cup và Asiad 2018.
Tại thời điểm đó, theo Forbes, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang vượt trội hơn khá nhiều so với một số đại gia sở hữu các CLB danh tiếng kể trên. Theo tính toán của Forbes, tổng tài sản của ông Vượng lên tới 6,5 tỷ USD.
Trong khi, tỷ phú Thái Lan Vichai Srivaddhanaprabha, ông chủ CLB Leicester sở hữu khối tài sản trị giá 5 tỷ USD. Ông chủ của CLB danh tiếng nước Anh Everton - tỷ phú Iran Farhad Moshiri sở hữu 1,8 tỷ USD. Hay ông Peter Lim của đội bóng Valencia sở hữu 2,5 tỷ USD.
Hiện tại, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tính tới ngày 13/11 lên tới 8 tỷ USD (theo Forbes). Và trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn được xem như là một trong những trung tâm có cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.
Giới chuyên gia nhận định, việc đầu tư phát triển bóng đá trẻ là một bước đi khôn ngoan của tỷ phú gốc Hà Tĩnh. Mặc dù mới tham gia hoạt động đầu tư phát triển bóng đá chưa quá lâu như các ông bầu khác nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đã lọt vào top những doanh nhân giàu nhất Châu Á, để sánh bước cùng với Sheikh Mansour, ông chủ của Man City.
Phối cảnh trường đại học VinUni thuộc Tập đoàn Vingroup.
Không chỉ tham gia vào lĩnh vực bóng đá, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn mở rộng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục với việc ra mắt dự án Đại học VinUni - là trường đại học tư thục phi lợi nhuận của Việt Nam được xây dựng theo các chuẩn mực quốc tế, tích hợp các mô hình tinh hoa của giáo dục đại học thế giới. Chi phí đào tạo trung bình hàng năm cho sinh viên theo học ở đây khoảng 35.000 USD và hệ sau đại học là 40.000 USD, tươg đương khoảng trên 900 triệu đồng/năm.
Với mức học phí này cộng với việc bắt tay đối tác cực khủng như Cornell thì rõ ràng trường đại học phi lợi nhuận của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hướng tới phân khúc cao cấp và dành cho các gia đình có điều kiện muốn du học tại chỗ.
…tham vọng tại thị trường smarthome
Chưa hết, mới đây theo một số nguồn tin cho biết, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang “lấn sân” vào thị trường smarthome.
Theo đó, những hình ảnh rò rỉ về thiết bị nhà thông minh mang thương hiệu Vsmart bao gồm, công tắc thông minh, hub kết nối các thiết bị smarthome, màn hình hiển thị trạng thái nhiệt độ và độ ẩm… cho thấy có thể Vsmart – công ty của tỷ Phú Phạm Nhật Vượng đã hoàn tất sản phẩm này và có lẽ sắp tung ra thị trường.
Cho đến thời điểm này, có rất nhiều doanh nghiệp nhảy vào thị trường smarthome như VNPT, Viettel, MobiFone, Bkav… Trong đó, Bkav được xem là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực smarthome. Tuy nhiên, Vinsmat của phú Phạm Nhật Vượng cho dù là người đi sau nhưng lại là tập đoàn có nhiều lợi thế nhất khi họ đang nắm giữ chuỗi bất động sản lớn nhất với rất nhiều khách hàng giầu có tại Việt Nam. Đây chính là thị trường tốt để Vsmart đưa vào cung cấp sản phẩm smarthome cho chuỗi bất động sản của mình.
Thêm vào đó, năng lực sản xuất của Vingroup với các sản phẩm smarthome đang được đánh gia là quy mô lớn nhất và hiện đại nhất hiện nay. Liên tục trong thời gian vừa qua, Vingroup đã thâu nạp các công ty khởi nghiệp có các sản phẩm liên quan đến IoT như công ty chuyên về camera…
Một số hình ảnh được cho là thiết bị thông minh thương hiệu Vsmart.
Trả lời ICTNews cuối năm ngoái, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, sau smartphone, sắp tới nhà máy Vsmart sẽ sản xuất các sản phẩm điện tử thông minh như smarthome, smartTV, điều hòa, tủ lạnh thông minh…
"Sau điện thoại di động, trong thời gian tới, nhà máy Vsmart sẽ sản xuất các sản phẩm điện tử thông minh, kết nối vạn vật (IoT) như smarthome, smart TV, điều hòa, tủ lạnh thông minh… Trong quý II/2019, chúng tôi sẽ tiếp tục ra mắt ti vi, các sản phẩm điện gia dụng thông minh để bổ sung vào hệ sinh thái sản phẩm thông minh Vsmart.
Hệ sinh thái này sẽ kết nối giữa các sản phẩm để tạo thành một hệ sinh thái đồng bộ và tiện ích. Hệ sinh thái này sẽ được ứng dụng vào mọi khía cạnh của cuộc sống, từ thiết bị thông minh gắn với cá nhân như smartphone cho tới thiết bị điện gia dụng trong nhà ti vi, tủ lạnh, máy giặt…
Hệ sinh thái này không chỉ có phần cứng mà còn bao gồm hệ sinh thái ứng dụng phần mềm và dịch vụ cộng thêm trên nền tảng ứng dụng này. Định hướng của Vsmart là sẽ xây dựng hệ sinh thái "Thiết bị thông minh - Căn hộ thông minh - Đô thị thông minh" ông Nguyễn Việt Quang nói.
Có thể cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, Vingroup sẽ tung ra thị trường giải pháp đồng bộ cho smarthsome. Đây là thời điểm khá tốt để Vingroup tung ra sản phẩm của mình trong bối cảnh các lo ngại về các thiết bị IoT có xuất xứ từ Trung Quốc gay lo ngại có thể đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.