Hội nghị ATM là diễn đàn thường niên để các Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN và các đối tác họp mặt, trao đổi, thống nhất việc đảm bảo thực hiện xây dựng mạng lưới giao thông vận tải kết nối, hiệu quả, hội nhập, an toàn và bền vững khu vực ASEAN. Qua đó, góp phần hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao vào năm 2020.
Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải Asean lần thứ 25 (ATM 25) chính thức khai mạc.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải Asean lần thứ 25 được tổ chức tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời chào tới các Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN, Ngài Tiến sỹ Aladdin D. Rillo - Phó Tổng thư ký ASEAN...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Trong những năm qua, hợp tác giao thông vận tải giữa các nước ASEAN đã không ngừng được quan tâm phát triển nhằm hỗ trợ tăng cường kết nối giữa các quốc gia thành viên, góp phần hướng tới một “ASEAN thông suốt”. Nhiều sáng kiến, đề xuất và cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực như hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt, tạo thuận lợi vận tải đã được ngành GTVT các nước tích cực triển khai”.
“Trong đó có những sáng kiến, cơ chế hợp tác nổi bật là sáng kiến hình thành thị trường hàng không, hàng hải thống nhất ASEAN - thúc đẩy mở cửa bầu trời ASEAN nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa giữa các nước ASEAN. Bênh cạnh đó là phê chuẩn và triển khai Kế hoạch chiến lược phát triển GTVT ASEAN 2016 - 2025, hướng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2025”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá.
Chia sẻ về hạ tầng giao thông Việt Nam phát triển trong nhiều năm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: “Việt Nam coi phát triển kết cấu hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn - đồng bộ, hiện đại là một trong 3 khâu đột phá chiến lược cùng với hoàn thiện thể chế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.
“Từ đó, Việt Nam đã có nhiều chính sách huy động, ưu tiên nguồn lực trong nước và quốc tế để tập trung đầu tư phát triển, bước đầu tạo ra bộ mặt mới cho GTVT, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết thêm, đến nay, Việt Nam đã đưa vào khai thác gần 1000 km đường bộ cao tốc; hiện đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam và nhiều tuyến nhánh với mục tiêu sớm hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc kết nối các đô thị, trung tâm công nghiệp, kinh tế lớn; kết nối với các tuyến vận tải khu vực và quốc tế.
Về đường thuỷ, đã hoàn thành đầu tư, nâng cấp một số cảng cửa ngõ quốc tế như cảng Lạch Huyện (ở phía Bắc), cảng Đà Nẵng (ở miền Trung), cảng Cái Mép - Thị Vải (ở phía Nam) với tổng công suất các cảng lên khoảng 543 triệu tấn/năm, năng lực thông qua hiện nay đạt 460 triệu tấn/năm. Về hạ tầng hàng không, đã đầu tư xây dựng 22 cảng hàng không (trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế), tổng năng lực của các cảng hàng không khoảng 75 triệu hành khách và 1 triệu tấn hàng hóa.
Ngoài ra, Việt Nam tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, kết nối hài hòa các phương thức, góp phần làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Hội nghị lần này tập trung thảo luận các vấn đề gồm: Hoàn thành các thủ tục để ký kết các văn kiện đa phương cấp Chính phủ nhằm tăng cường kết nối GTVT trong ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác; Nghe báo cáo về tình hình triển khai tổng thể các chương trình, dự án thuộc khuôn khổ Kế hoạch Chiến lược GTVT Kuala Lumpur 2016 – 2025 (Kế hoạch Chiến lược phát triển GTVT ASEAN) trong các lĩnh vực: vận tải hàng không, vận tải hàng hải, vận tải mặt đất, tạo thuận lợi vận tải. Thông qua các dự án/kế hoạch/chương trình hành động trong khuôn khổ hợp tác GTVT ASEAN trong năm 2020; Trao đổi, thúc đẩy hợp tác giao thông vận tải với các nước đối tác đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khác (EU, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN) trong các lĩnh vực, đặc biệt trong hợp tác hàng không. Cụ thể: Với Trung Quốc, các Bộ trưởng dự kiến sẽ thông qua và ký Nghị định thư số 3 về mở rộng quyền vận chuyển thứ 5 giữa các Bên ký kết thuộc Hiệp định vận tải hàng không ASEAN - Trung Quốc nhằm tăng cường kết nối hàng không giữa ASEAN và Trung Quốc, qua đó thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, đầu tư, kinh tế và xã hội. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về tiến độ và kế hoạch triển khai các Dự án/Hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động 2018 - 2020 của Kế hoạch Chiến lược (sửa đổi) hợp tác GTVT ASEAN - Trung Quốc. Với Nhật Bản, Hội nghị sẽ nghe báo cáo tiến độ đàm phán Hiệp định dịch vụ hàng không ASEAN - Nhật Bản và tiến độ các hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản thuộc khuôn khổ Quan hệ hợp tác GTVT ASEAN - Nhật Bản (AJTP). Với Hàn Quốc, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận hoàn về kết quả đàm phán Hiệp đinh dịch vụ hàng không ASEAN – Hàn Quốc (AK-ASA) và tiến độ triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Dự án Hợp tác GTVT ASEAN – Hàn Quốc. Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ cập nhật tình hình đàm phán, hoàn tất nội dung Dự thảo Hiệp định vận tải hàng không toàn diện ASEAN – EU cũng như các dự án hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của EU đối với lĩnh vực GTVT ASEAN. |