Dân Việt

Thấy gì qua những cuộc đình công của các tài xế BeBike và BeCar?

Song Hảo 14/11/2019 12:02 GMT+7
Các lời kêu gọi tắt app và tiến tới đình công của tài xế beBike tại Hà Nội hôm 11/11 tạm lắng xuống. Nhưng dư âm của nó sẽ ảnh hưởng tới những gì nhà sáng lập đồng thời là CEO Be Group Trần Thanh Hải tuyên bố sẽ thực hiện. Hãng gọi xe này dường như đang gặp phải những trục trặc không nhỏ về quản trị doanh nghiệp cũng như đang đối mặt với một tương lai mờ mịt...

img

Tài xế Bebike "tố khổ"

Sự việc hôm 11/11 là cuộc đình công lần thứ hai trong vòng sáu tháng qua và là hệ quả việc điều chỉnh chính sách thưởng của Be với đối tác tài xế chỉ trong hai tháng.

Tài xế BeBike đã tụ tập ở văn phòng Be Group ở khu đô thị Yên Hòa thuộc quận Cầu Giấy để “tố khổ”. Chiết khấu của họ hiện lên đến 36% - rất cao so với các ứng dụng gọi xe đối thủ như Grab hay Go-Viet. Tài xế than phải làm việc từ 12-14 tiếng đồng hồ, nhưng họ bị cắt giảm mức thưởng trên doanh thu: chỉ còn 5% với doanh thu trong ngày từ 400.000 – 599.000 đồng và còn 10% với doanh thu trên 600.000 đồng – tức giảm 5% mỗi mức so với lần điều chỉnh đầu tháng 10.

Hơi tréo ngoe là cuộc đình công 11/11 chỉ diễn ra sau vài ngày sau cuộc thi Tay lái vàng do Be Group và Tổng cục Nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tổ chức tuần trước. Cuộc thi nhằm xác tín nghề lái xe công nghệ cần được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp và quyền lợi của tài xế được pháp luật bảo vệ. “Nếu tài xế được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, họ sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Khách cũng có cái nhìn thiện cảm hơn, từ đó thay đổi định kiến về nghề tài xế công nghệ”, CEO Be Group phát biểu.

Trước khi thi, tài xế beBike được học và thi về tình huống an toàn giao thông, kỹ năng dịch vụ khách hàng và kiểm soát căng thẳng. Thế nhưng, những thay đổi chính sách trong hai tháng vừa qua khiến họ căng thẳng hơn và nổ ra đình công ngày 11/11.

Con ong chăm chỉ đã đuối sức?

Be thành lập vào cuối năm 2018, góp phần làm thị trường xe ôm công nghệ Việt Nam thêm đa dạng và đầy sôi động. Chỉ trong 7 tháng, tính đến tháng 6/2019, ứng dụng Be có những bước đi ngoạn mục như kỳ vọng của nhiều người đối với hãng gọi xe thuần Việt.

img

Grab nói có gần 200.000 tài xế, Go-Viet công bố có 125.000 tài xế thì Be tuyên bố có khoảng 40.000 người. Dù số lượng tài xế chỉ bằng 1/3 Go-Viet, nhưng Be đã vươn lên giành thị phần lớn thứ hai sau Grab: Theo ABI Research, trong tổng số 200 triệu cuốc xe thực hiện trong sáu tháng đầu năm 2019, Be đứng thứ hai với 31 triệu cuốc, tỷ lệ gần 16% – chỉ sau Grab với 146 triệu chuyến tỷ lệ 73%. Hãng Go-Viet già hơn bốn tháng tuổi và gấp ba lần đội ngũ tài xế nhưng lại xếp sau Be – 21 triệu chuyến, tỷ lệ hơn 10%.

Bộ đồng phục sọc vàng và xanh đen mới tinh của tài xế Be gợi nhớ những con ong chăm chỉ, tạo ấn tượng tốt. Bên cạnh đó, ngay từ đầu Be đã có dịch vụ xe hơi và tính tiền qua thẻ - điều mà Go-Viet qua hai đời CEO vẫn đeo đuổi. Be cũng tuyên bố thực hiện giao hàng với BeExpress.

Nhưng dường như sau đó, “con ong chăm chỉ” bắt đầu đuối sức. Đầu năm 2019, CEO Trần Thanh Hải tuyên bố sẽ hiện diện ở 22 tỉnh thành, nhưng đến nay chỉ hoạt động ở 7 tỉnh thành. Khuyến mãi cho khách hàng có vẻ đang giảm dần. Chính sách thưởng cho đối tác tài xế bị điều chỉnh xuống trong vòng 2 tháng. Tháng 6/2019, ông Hải nhấn mạnh sẽ có dịch vụ giao nhận thức ăn BeFood và dịch vụ tài chính BeFinance, nhưng giờ chỉ còn gần 50 ngày thì hết năm 2019 nhưng… vẫn chưa có gì! Trong khi đó, các quán đã ký hợp đồng tham gia BeFood được báo là dịch vụ này được hoãn cho đến khi có thông báo mới.

Bài học con ong

Dường như bài học đầu tiên và lớn nhất của các startup Việt Nam luôn là sự kiệm lời. Các tuyên bố rầm rộ nên được cân nhắc, tránh “vung tay quá trán", dễ làm khách hàng, đối tác và nhà đầu tư mất lòng tin. 

img

Tiếp đến là kế hoạch sử dụng vốn cùng phương hướng đầu tư. ABI Research nói Be đã “đốt” 75 triệu USD, khoảng 1.750 tỷ đồng, để giành vị trí thứ hai trên thị trường gọi xe. Thế nhưng, các chuyên gia nói rằng dòng vốn ít ỏi đã bốc hơi từ lâu khi Be căng mình trên các mặt trận để cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn. Be vẫn chưa được bơm thêm nguồn vốn mới.

“Con ong chăm chỉ” đã không chọn được thị trường ngách làm sức mạnh cạnh tranh của mình mà rập khuôn cách làm của các tay chơi khác, đối đầu trực tiếp, đó là chưa kể cà khịa các ứng dụng dẫn đầu này. Nhiều quản lý cấp cao của Be đã rời bỏ, cũng đặt dấu chấm hỏi về phương thức quản lý và phát triển nhân sự của hãng này.

Bên cạnh đó là ứng xử với đối tác. Lời hứa về chăm lo cho phúc lợi của tài xế có vẻ xa vời với hai lần đình công trong sáu tháng về mức thưởng và tỷ lệ hoa hồng, khiến các tài xế không thể căng thẳng.  

Với dịch vụ gọi xe công nghệ thì công nghệ vẫn hàng đầu, và dòng vốn đầu tư cho công nghệ cần chảy liên tục. Grab đã sẵn sàng với khoản đầu tư mới 500 triệu USD cho thị trường Việt Nam, GoJek sẽ châm thêm vốn cho Go-Viet thì tương lai của Be khá mông lung.

Chú ong có vẻ đã đuối sức và mất phương hướng!