Dân Việt

Cao Phong: Trên trời dưới cam, vườn quả chín rộ, chỉ lo đi bán

Thuần Việt 15/11/2019 14:06 GMT+7
Không hồ hởi như những vụ thu hoạch cam vài năm trước đây, năm nay, vựa cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về khâu tiêu thụ. Giá cam có giảm đôi chút, nhưng cái thời xe ô tô xếp hàng dài vào vườn "ăn" cam đã là dĩ vãng.

Đợt gió lạnh đầu mùa tràn qua vựa cam khiến khung cảnh nơi đây thêm mờ ảo. Người trồng cam dường như cũng se sắt một nỗi lo làm thế nào để bán hết vườn cam của gia đình. Đầu vụ thu hoạch cam năm nay, các gian hàng bán cam ở thị trấn Cao Phong cũng có phần đìu hiu hơn so với mọi năm. Mặc dù cam năm nay ăn còn ngon hơn năm trước, nhưng việc tiêu thụ chậm khiến người trồng cam lo ngay ngáy...

Chạy khắp nơi để bán cam 

Anh Nguyễn Văn Thành ở xóm Mu, xã Thung Nai, huyện Cao Phong có gần 3ha cam, trong đó có 1,5ha cam đã cho thu hoạch. Nhà anh vốn ở thị trấn Cao Phong, nhưng anh tìm về thung lũng xóm Mu để trồng cam. Sau 7 năm lăn lộn với cây, với đất, vườn cam đã cho thu hoạch rộ. 

img

Người trồng cam ở Cao Phong đang gặp khó khăn về khâu tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2016, anh thu hoạch lứa cam đầu tiên bán được với giá 25.000đ/1kg. Và sau mỗi năm, giá cam cứ giảm dần, giảm dần xuống còn 15.000đ/1kg. Vườn cam nhà anh cây nào, cây nấy sai trĩu quả. Nhiều cây cam cho thu tới 2 tạ cam. "Năm nay, tôi đã bán được hơn chục tấn cam, nhưng vô cùng vất vả vì phải chuyển đi các tỉnh. Mọi năm, xe tải đánh vạo tận vườn mua cam. Năm nay, tôi toàn phải tự bán", anh Thành chia sẻ.

So với nhiều nhà vườn khác, anh Thành đã nhanh nhạy hơn là anh mua xe tải 2,5 tấn để chủ động cho việc vận chuyển cam. Hơn nữa, trước vụ cam, anh đã đi đến rất nhiều tỉnh thành tìm đại lý tiêu thụ cam. Nhờ việc này mà vườn cam của anh bán rất nhanh hết. Giá cả có giảm đôi chút, xong bán được tấn cam nào, anh mừng đến đó. 

img

Cam Cao Phong có chất lượng thơm, ngon hơn so với nhiều vùng trồng cam khác. Tuy nhiên, khi sản lượng không ngừng tăng lên, việc giá cam bị đẩy xuống không còn là chuyện lạ. 

Không có được niềm vui như anh Thành, nhiều chủ vườn cam khác cũng đang đứng trên đống lửa. Nếu như những năm trước đây, xe ô tô của tư thương ùn ùn kéo đến vườn mua cam, nay bà con phải chạy đôn, chạy đáo tìm khắp các mối để bán hàng. Nhiều chủ vườn cam đã năng động lên mạng tìm mối bán cam. Như chị Hà Phong, anh Nguyễn Sơn, anh Nguyễn Văn Thạch... ở thị trấn Cao Phong đã kết nối rất tốt khâu tiêu thụ cam qua mạng. Mỗi năm họ cũng bán được cả chục tấn cam qua mạng. 

img

Cây cam từng mang lại giá trị rất cao cho người trồng cam. Những lúc cam bán được giá trên 30.000đ/1kg, nhiều nhà vườn thu tiền tỷ từ 1ha cam. 

Người ta cứ bảo trồng cam là thu tiền tỷ, nhưng quả thực với người dân ở Cao Phong giờ thu tiền tỷ trên 1ha cam không dễ dàng gì. Giá cam sẽ quyết định tới sự thành bại của cả mùa. Anh Nguyễn Trường nhà ở xã Thu Phong cũng trồng gần 1ha cam. Không hiểu sao, đến khi thu hoạch, nhiều cây cam tự nhiên vàng lá và chết. Anh thu chưa được bao nhiêu mà vườn đã lụi. "May mà tôi còn kết nối được với xe du lịch. Họ lên Tây Bắc, qua Cao Phong là vào vườn nhà tôi lấy cam. Nhờ đó mà giá bán có cao hơn đôi chút, song về lâu dài việc bán cam sẽ gặp rất nhiều khó khăn", anh Trường cho biết. 

Chưa bao giờ, người trồng cam lại lo lắng như những vụ cam gần đây. Nhớ niên vụ năm 2018, nhiều vườn cam ở các xã vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ cam. Cam chín có thì, nên trong khoảng thời gian của mùa vụ, nhà vườn phải bán sớm để còn chăm cây cho mùa sau. Nếu để quá mùa, cam cũng tự rụng. Theo tính toán của nhà vườn, mỗi ha cam, phải đầu tư tới gần 200 triệu đồng, gồm các khoản phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc, thu hoạch... Nếu giá bán buôn được 15.000 đồng đến 20.000đ/1kg, người trồng mới có lãi. 

Diện tích và sản lượng tăng chóng mặt 

Mấy năm trước, người ta thường bảo thị trấn Cao Phong là thủ phủ giầu nhất các tỉnh Tây Bắc. Nhà nào có 1ha cam là thu tiền tỷ, sắm được xe hơi, xây nhà lầu... Quả là 5-6 năm trước, nếu gia đình nào có cam thu hoạch là thu được tiền tỷ dễ dàng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, khi diện tích và sản lượng cam không ngừng gia tăng, lợi nhuận của các hộ trồng cam lại cứ bị bào mòn dần. 

img

Anh Thành ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong đã chủ động liên hệ trước với nhiều đại lý trên cả nước để bán cam.

Sau 5 năm, diện tích trồng cam của huyện Cao Phong đã tăng gấp 2-3 lần, trong khi đó các huyện khác như Kim Bôi, Lạc Sơn, Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy... nơi nào cũng phát triển cây có múi. Diện tích tăng chóng mặt, sản lượng cũng nhân lên với cấp số nhân. Khi cung vượt quá cầu, giá cam giảm đã không còn lạ chuyện lạ. Theo ước tính của tỉnh Hòa Bình, toàn tỉnh năm nay có khoảng 7,8 vạn tấn cam, quýt. Đấy chưa kể gần 2000ha bưởi cũng đã cho thu hoạch. Với sản lượng khổng lồ này, không phải ai cũng bán được hàng đúng thời vụ. 

Từ việc cây cam chỉ trồng trên những diện tích đất phẳng đẹp ở Cao Phong, khi giá cam lên đồng, nhà nhà cùng đổ xô vào trồng cam. Xã vùng thấp thì cơi luống, vùng cao san gạt đồi để trồng cam. Điển hình như ở xã Bắc Phong, Tây Phong... người ta san gạt cả đất rừng để trồng cam. 

img

Nhiều huyện đã tổ chức lễ hội cây có múi với hy vọng giúp bà con quảng bá sản phẩm. 

Hầu hết các hộ trồng cam là trông mong vào tư thương đến vườn mua cam, chứ ít có hộ dân nào kí được hợp đồng với đối tác tiêu thụ. Việc tiêu thụ sản lượng cam, bưởi khổng lồ trông cả vào đội ngũ tư thương. Nhiều biện pháp đã được các cấp chính quyền của tỉnh Hòa Bình triển khai như tổ chức hội chợ, lễ hội, mời doanh nghiệp đến hội thảo, tìm cách tiêu thụ cam, nhưng đến thời điểm này, việc kí kết hợp đồng vẫn còn trên giấy. 

Mối lo về vỡ trận cây có múi đang cận kệ, khi mà huyện nào, xã nào có diện tích đất đủ rộng là cũng coi cây có múi là hướng phát triển chính. Diện tích tăng, sản lượng tăng, mà việc tìm đầu ra vẫn "phó mặc" cho thị trường. Trong khi đó, diện tích cây có múi của cả nước cũng tăng theo cấp số nhân. Một việc rất lo lắng là cam của nước ta hầu như chưa xuất khẩu được. Do vậy, việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường trong nước.