Dân Việt

Quỹ BVPTR Quảng Nam: Hồi sinh những cánh rừng

Trương Hồng - Lương Luật 15/11/2019 12:50 GMT+7
Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam đánh giá, qua 7 năm (2012 - 2018) triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), qua các đợt kiểm toán Nhà nước, thanh tra tài chính, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam đã triển khai tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Thí điểm thành công C-PFES để bảo vệ rừng

Mới đây tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo kỹ thuật và kế hoạch triển khai thí điểm chi trả dich vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng (gọi là C-PFES). Đây được thực hiện bởi dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ tài trợ.

img

Từ khi áp dụng nhiều biện pháp, rừng Quảng Nam ngày càng được bảo vệ.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có quy định quản lý và sử dụng tiền đối với C-PFES; kế hoạch triển khai thực hiện C-PFES cấp tỉnh. Quỹ Bảo vệ - phát triển (QBVPTR) tỉnh Quảng Nam đề xuất, Bộ NNPTNT cần có hướng dẫn kế hoạch triển khai thực hiện C-PFES cấp tỉnh, việc thực hiện thí điểm nên nghiên cứu để điều tiết từ các tỉnh có số tiền thu từ C-PFES cao sang các tỉnh có nguồn thu thấp nhưng lại có diện tích rừng lớn.  

Tại Quảng Nam, đến thời điểm này đã thực hiện chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh thủy điện, nước sạch, dịch vụ du lịch và cơ sở công nghiệp có sử dụng nước cho sản xuất. Còn 2 loại DVMTR chưa thực hiện (cơ sở nuôi trồng thủy sản có sử dụng DVMTR và dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng). Hai doanh nghiệp là nhà máy sản xuất than điện thuộc Công ty CP Than - điện Nông Sơn và nhà máy sản xuất xi măng Thạnh Mỹ thuộc Công ty CP Tập đoàn Thái group chi nhánh Quảng Nam được chọn thí điểm C-PFES. 

Từ năm 2018 đến nay, chính quyền tỉnh, ngành nông nghiệp chủ động báo cáo Bộ NN&PTNT về tham gia thí điểm chi trả DVMTR đối với C-PFES. Tuy nhiên, trong số hàng chục cơ sở trên địa bàn tỉnh thuộc diện đối tượng chi trả DVMTR đối với C-PFES chỉ chọn 2 đơn vị doanh nghiệp thực hiện thí điểm, tạo ra không ít áp lực.

Theo QBVPTR tỉnh Quảng Nam, trong khi Công ty CP Tập đoàn Thai group chi nhánh Quảng Nam đề nghị cân nhắc việc chọn tham gia thí điểm, thì Công ty CP Than - điện Nông Sơn đề nghị không tham gia thí điểm. Lúng túng của nhiều cán bộ lâm nghiệp là xác định khu rừng được chi trả DVMTR đối với C-PFES, do hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật; phương pháp lấy số liệu, dữ liệu…

img

Quảng Nam đang thí điểm thành công C-PFES để bảo vệ rừng

Ông Phan Quang Tĩnh - Cán bộ Quỹ BVPTR Quảng Nam băn khoăn: “Vấn đề chúng tôi quan tâm là thu và chi trả C-PFES như thế nào cho phù hợp với việc phát thải của các cơ sở công nghiệp; khả năng hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng công bằng trên phạm vi quốc gia, nhằm khuyến khích tham gia và huy động nguồn lực xã hội; chi trả tiền như thế nào cho phù hợp?. Vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong triển khai thực hiện và quản lý C-PFES là gì?”. 

Ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam cho biết, các hệ sinh thái rừng có tiềm năng rất lớn về hấp thụ và lưu giữ các - bon, vừa góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa có tiềm năng tạo ra nguồn thu đáng kể cho công tác bảo vệ rừng trong tương lai. Diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh là 680.602ha (rừng tự nhiên 464.310ha và rừng trồng 216.292ha.

“Trong lúc Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp và QBVPTR Việt Nam đang tiến hành các công việc chuẩn bị thí điểm dịch vụ C-PFES ở tầm quốc gia thì việc thí điểm tiếp cận C-PFES ở cấp tỉnh rất có ý nghĩa, giúp cán bộ lâm nghiệp hiểu biết những nội dung, phương pháp đối với thực hiện C-PFES trên bình diện quốc tế và trong nước” - ông Đức nói.

Phủ xanh rừng

Bên cạnh việc thực hiện thí điểm thành công C-PFES để bảo vệ rừng, Qũy BVPTR Quảng Nam đã chuyển đổi thành công mục đích sử dụng đất đã được trồng rừng thay thế (TRTT) từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Trong khi đó, ngành kiểm lâm đang thay đổi toàn diện bộ máy, mô hình giữ rừng bền vững.

img

Cán bộ Kiểm lâm Quảng Nam liên tục tuần tra bảo vệ "lá phổi" xanh của rừng

Theo Sở NN&PTNT Quảng Nam, tính đến nay đã chuyển đổi hơn 1.878ha rừng sang mục đích sử dụng khác. Trong đó, có 1.441ha chuyển sang xây dựng các công trình thủy điện, còn lại là chuyển sang khai thác khoáng sản, du lịch 109ha và 328ha chuyển sang xây dựng các công trình công ích.

Để khôi phục “lá phổi xanh”, UBND tỉnh phê duyệt phương án TRTT với tổng diện tích là 2.039ha, lớn hơn diện tích đất rừng tự nhiên đã mất do chuyển đổi mục đích sử dụng. Tính đến tháng 7/2019,  các địa phương đã hoàn thành xong diện tích TRTT đã được phê duyệt, ngoài trừ còn 26,6ha do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cuối năm 2018. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá, tỷ lệ sống đạt bình quân hơn 75%, diện tích TRTT hiện đang trong quá trình chăm sóc và bảo vệ.

Theo QBVPTR tỉnh, tại các huyện Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, Bắc Trà My, thông thường các chủ rừng thuê lại đơn vị thi công TRTT và kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu chọn cây giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ. Việc đấu thầu chọn đơn vị trồng diễn ra công khai, minh bạch.

img

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam kiểm tra rừng

Ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam cho biết: “Với các diện tích TRTT có tỷ lệ cây chết cao, đơn vị cùng với các ngành chức năng yêu cầu đơn vị thi công trồng và chăm sóc lại, khi nào đạt yêu cầu thì chủ rừng mới tiến hành giải ngân. Theo dõi các đai rừng phòng hộ ở vùng cát Thăng Bình, Tam Kỳ, hay vùng cao Nam Giang, Bắc Trà My từ nguồn tiền chi trả DVMTR cho TRTT, chúng tôi thấy nhiều loại cây sinh trưởng, phát triển nhanh. Tuy nhiên, không ít diện tích rừng ở đất cát ven biển bị hư hại do cháy rừng trong các đợt nắng nóng cao điểm vừa qua, cần được triển khai thiết kế trồng bổ sung. 

Đến năm 2020, sẽ chuyển toàn bộ những diện tích thực hiện giao khoán cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư hiện nay sang hình thức chủ rừng tự tổ chức quản lý BVR thông qua các đội chuyên trách BVR do chủ rừng quyết định…”.

Trên địa bàn Quảng Nam hiện đã thu ủy thác tiền DVMTR đối với 76 đơn vị sử dụng DVMTR. Trong đó có 27 đơn vị sản xuất thủy điện, 7 đơn vị sản xuất, cung ứng nước sạch, 1 đơn vị kinh doanh du lịch và 44 cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nước cho sản xuất công nghiệp. Như vậy, chính sách chi trả DVMTR tại Quảng Nam có 4 nhóm đối tượng thực hiện chi trả tiền DVMTR, bao gồm sản xuất thủy điện, nước sinh hoạt, nước công nghiệp và kinh doanh du lịch. Hiện, Chính phủ đang thí điểm nhóm đối tượng dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các - bon của rừng.