Công ty Cổ phần FPT của ông Trương Gia Bình vừa công bố kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm 2019. Theo đó, tập đoàn của đại gia Trương Gia Bình đạt 22.007 tỷ đồng doanh thu và 3.994 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng tới 19,8% và 26,5% cùng kỳ, hoàn thành 83% và 90% kế hoạch năm. Con số lợi nhuận FPT đạt được trong 10 tháng đã vượt con số của cả năm 2018 (3.858 tỷ đồng).
Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 10 tháng lần lượt đạt 3.351 tỷ đồng và 2.717 tỷ đồng, tăng 26% và 27,7% so với cùng kỳ năm 2018. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 4.013 tỷ đồng, tăng 27,1%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận tiếp tục được cải thiện, đạt 18,1%, cùng kỳ năm ngoái là 17,2%.
Đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính cho tập đoàn của đại gia Trương Gia Bình là khối Công nghệ với 12.410 tỷ đồng doanh thu và 1.707 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tiếp theo là khối Viễn thông với hơn 8.400 tỷ đoanh thu và 1.462 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Như vậy, sau 10 tháng doanh thu FPT đã chạm ngưỡng tỷ USD. Cùng với đó, thị giá cổ phiếu của tập đoàn này cũng quay đầu tăng điểm trong phiên giao dịch sáng nay, sau khi mất 2.200 đồng/cổ phiếu tương ứng 3,64%, cổ phiếu FPT trong phiên giao dịch ngày hôm qua.
Hiện tại, FPT đang đứng ở mức 58.500 đồng/cp, tăng 0,34% so với chốt phiên giao dịch ngày 14/11. Nếu so với giá giao dịch hồi đầu năm (41.200 đồng/cp), thị giá cổ phiếu của FPT tăng 42%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, giá trị tài sản bằng cổ phiếu FPT của đại gia Trương Gia Bình cũng được công thêm 42% giá trị. Tên tuổi của đại gia Trương Gia Bình lại được “hâm nóng” sau 1 thời gian dài ít được nhắc đến trên thị trường chứng khoán.
Còn nhớ, ông Trương Gia Bình là một trong những gương mặt nổi bật nhất trên thị trường chứng khoán khi cổ phiếu FPT chào sàn (13/12/2006).
Chỉ nửa tháng sau đó, cổ phiếu này tăng gấp rưỡi lên mức giá cao kỷ lục 460.000 đồng/CP so với thời điểm FPT giao dịch trên thị trường OTC. Với mức giá cao chót vót như vậy, FPT đã biến Tập đoàn FPT trở thành nơi "sản sinh" hàng loạt tỷ phú. Trong đó, ông Trương Gia Bình là người giàu nhất.
Tại thời điểm 2006, với khối tài sản khoảng 2.400 tỷ đồng trong tay, ông Trương Gia Bình khi ấy đang nắm giữ cùng lúc hai chức vụ Chủ tịch và Tổng giám đốc FPT đã trở thành người giàu nhất FPT, và quan trọng hơn là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình không giữ "ngôi vương" được lâu. Chỉ 1 năm sau, ông rớt xuống vị trí thứ 7 với khối tài sản "chỉ" còn khoảng 1.700 tỷ đồng. Người thế chỗ ông Bình là ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KBC.
Ông Trương Gia Bình
Sau này, khi hàng loạt đại gia khác xuất hiện như ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FLC, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air hay ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco… vị trí của ông Trương Gia Bình trong bảng xếp hạng người giàu trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng liên tục thay đổi và không còn “phong độ” như trước.
Đến cuối năm 2018, ông Trương Gia Bình đứng ở vị trí 33 với khối tài sản "chỉ" là 1848 tỷ đồng. Tại thời điểm hiện tại, vị trí của ông Trương Gia Bình đã tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng này và đứng vị trí 21 với 2.827 tỷ đồng. Trong đó, 2.810 tỷ đồng giá trị cổ phiếu FPT.
Dù vậy, con đường trở lại "ngôi vương" của ông Trương Gia Bình vẫn là điều không tưởng vì chênh lệch tài sản của ông Bình với các tỷ phú còn lại là vô cùng lớn, gần như không thể vượt qua. Trong đó, người giàu nhất trên thị trường hiện nay là tỷ phú Phạm Nhật Vượng với gần 10 tỷ USD, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng có trong tay hàng chục nghìn tỷ, gấp đến 10 lần khối tài sản của ông Trương Gia Bình ở thời điểm hiện tại.