Từ lúc còn cắp sách, tôi đã mê món ba khía rồi. Sau này lớn lên tôi mới hiểu Cà Mau và Bạc Liêu là vương quốc của họ hàng nhà ba khía. Do đó, mỗi lần xuống Cà Mau, tôi cố tìm cho được ba khía Rạch Gốc để mang về làm quà cho bạn bè.
Trong ký ức xa vời của tôi, thuở nhỏ tôi khoái nhất là mút càng ba khía hoặc cho cơm nguội vào mai trộn đều rồi dùng muỗng múc. Cái chất mằn mặn và beo béo của gạch ba khía thấm vào đầu lưỡi tạo nên một cảm giác lâng lâng, tuyệt vời, ăn hoài không ngán.
Ba khía muối. |
Mặc dù gần đây, nhiều nhà hàng, quán ăn đã biến tấu con ba khía thành nhiều món ăn độc đáo như: ba khía rang me, rang mỡ hành, ba khía luộc, ba khía nấu chao… món nào cũng ngon, nhưng chưa có thứ hương vị nào đi vào hồn, vào ký ức chúng ta bằng món ba khía muối.
Gần đây, nhiều bà nội trợ khéo tay đã dùng ba khía muối trộn thêm với thịt bò. Ở quê tôi, nhiều người còn ăn ba khía với khoai lang nấu, một món ăn đơn sơ, mộc mạc nhưng tuyệt kỹ, khó có món nào bì kịp.
Ngày nay, giữa trăm ngàn món ngon, vị lạ nhưng trong lòng chúng ta vẫn nghe rất đỗi thân quen cái mùi ba khía, nhất là những ngày hội hè tết nhứt, có khi cả tuần chỉ thịt với cá ngán ngẩm, lúc đó ta mới thấy thương nhớ món ba khía.
Người miền Tây có câu “Đừng lo cưới vợ miệt đồng. Ba khía cơm nguội ăn ròng cả năm”. Đúng vậy, ba khía ăn hoài mà vẫn không ngán.
Một lần theo chân đoàn du lịch về huyện Ngọc Hiển - Cà Mau, tôi được nghe ông Sáu Tuôi, một cựu chiến binh, quê ở Rạch Gốc, kể chuyện về con ba khía giống như một huyền thoại. Chúng thích đào hang ở những khu rừng rậm rạp, gần mé sông hoặc bãi biển rồi hằng đêm bò ra rủ nhau đi kiếm ăn.
Đặc biệt là mùa mưa, vào những đêm tối trời chúng bu đen những gốc mắm, gốc đước để làm tình, mọi người tha hồ mà bắt hoặc hốt. Khi trời sa mưa, ba khía bắt đầu lột vỏ, bụng mang đầy trứng.
Qua tháng 7, tháng 8 âm lịch trở đi, ba khía bắt đầu đẻ và thường hội vào những đêm tối trời, lặng gió, sôi động nhất là vào các đêm 30/8 và 30/9 chúng tụ hội về không biết cơ man nào mà kể, có nơi chúng bám dày đặc trên các gốc mắm, bò lềnh khênh trên bãi bờ hoặc leo lên thân cây đeo thành chùm, người đi săn chỉ cần dùng bao tay hoặc cây gạt ngang, chúng sẽ rơi vào thúng hoặc vào xuồng tha hồ mà bắt.
Được biết, khoảng trước năm 1954, ba khía sau khi muối và chế biến thành phẩm nó trở thành một món ăn nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh. Đến mùa, nhiều thương lái để nguyên lu, nguyên khạp chở thẳng lên Sài Gòn và nước bạn Campuchia để bán.
Còn bây giờ thì nhiều người phải đốt đèn, xăn quần, lội nước soi bắt từng con. Nơi nào có ba khía là nơi đó có dấu chân “sát thủ” khiến nhiều người lo sợ một ngày nào đó con ba khía không còn đất dung thân…
Thương lắm ba khía ơi!