Dân Việt

Chủ tịch Hội NDVN thăm vườn bưởi vạn cây, vạn quả ở Thái Nguyên

Hải Đăng 18/11/2019 06:30 GMT+7
Ngày 16/11, đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng các cán bộ, lãnh đạo của tỉnh Thái Nguyên đã đi thăm vườn bưởi đặc sản "vạn quả" và chăn nuôi gà thả vườn ở xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai.

img

Đồng chí Thào Xuân Sùng chia sẻ quy trình chăm sóc bưởi đặc sản với các cán bộ, người dân huyện Võ Nhai.

Trong chuyến đi thực tế này, người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) đã cùng đoàn công tác vượt nhiều tuyến đường đồi, núi khó khăn để vào "tận mục sở thị" các trang trại của nông dân. Đến các mô hình, đồng chí Thào Xuân Sùng đã khảo sát, tìm hiểu, hỏi thông tin các chủ vườn, trang trại rất kỹ lưỡng để nắm bắt kịp thời khó khăn, cũng như tâm tư, nguyện vọng để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho bà con.

Tại vườn bưởi rộng hơn 3ha của gia đình anh Hoàng Ngọc Giang-mô hình đầu tiên trong chuyến thực tế được đồng chí Thào Xuân Sùng và đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đến thăm rất sai quả. Anh Giang-chủ vườn bưởi Diễn, bưởi da xanh cho biết, sau hơn 5 năm chuyển đổi sang trồng bưởi đặc sản, đến giờ gia đình đã có trên 1 vạn cây.

"Hiện, tôi đã nắm được một số kiến thức về quy trình chăm sóc bưởi từ quá trình chăm cây non đến khi trưởng thành, ra hoa, đậu quả, kỹ thuật cắt tỉa, bón phân cũng khá bài bản. Nhờ thế mà vườn bưởi của gia đình luôn phát triển tốt, thu nhập của tôi năm sau luôn tăng cao hơn năm trước", anh Giang nói.

img

 Mới có 5 năm tuổi, hơn 1 vạn cây bưởi của anh Giang đã cho nhiều quả, trung bình mỗi cây có từ 60-70 quả.

Anh Giang cho biết thêm, năm 2018 vừa qua gia đình anh có thu nhập trên 100 triệu đồng. Dự kiến vụ thu hoạch 2019 sắp tới sẽ khoảng trên 200 triệu đồng và con số này sẽ tăng cao hơn trong các năm tiếp theo.

Qua thăm quan, đồng chí Thào Xuân Sùng cho rằng: Dù chủ vườn đã nắm được các kỹ thuật chăm sóc bưởi nhưng vấn chưa thực sự bài bản, khoc học. "Các cây trong vườn bưởi ở đây vẫn để quá nhiều quả, các chùm quả sai quá dẫn đến kích cỡ bưởi nhỏ, chất lượng sẽ không đảm bảo. Bên cạnh đó, các cây vẫn còn rất nhiều lá, cành tăm, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến dinh dưỡng và quá trình phát triển của cây, các quả bưởi", người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam góp ý.

img

Anh Giang tận dụng các chai, lọ bỏ đi để đựng mồi sinh học bẫy côn trùng hại bưởi.

Nói thêm về kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi đặc sản, đồng chí Thào Xuân Sùng cho hay:  Để trồng bưởi hiệu quả, các chủ vườn phải có học được quy trình chăm sóc cây. Đơn cử như từ khi cây ra quả, chủ vườn phải tỉa bớt lá, quả trên cây. Các chùm quả nên để từ 1-2 quả mới cho chất lượng tốt. Cùng với đó, dưới gốc các cây bưởi, chủ vườn phải khoanh đất để tạo độ mùn, dinh dưỡng cho cây phát triển tốt....

Theo đồng chí Thào Xuân Sùng, dù Võ Nhai có trên 200ha trồng bưởi, trong đó có diện tích bưởi đã xây dựng quy trình sản xuất VietGAP nhưng chưa xây dựng được thương hiệu cho loại cây đặc sản này. Bên cạnh đó, việc định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con cũng chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng bấp bênh, đầu ra chưa ổn định, hiệu quả kinh tế chưa cao.

img

Theo đồng chí Thào Xuân Sùng, để có kiến thức trồng, chăm sóc bưởi, ngoài chăm đọc sách, báo, người dân cần phải tích cực thăm quan học hỏi kinh nghiệm các mô hình tại các địa phương lân cận.

 "Cán bộ, lãnh đạo địa phương cần phải nhanh chóng vào cuộc để giải quyết các vướng mắc trong trồng trọt, chăn nuôi cho dân. Cái nào khó, chưa biết thì phải học tập, cử cán bộ đi thực tế học kinh nghiệm tại các mô hình của các tỉnh đang làm tốt như Sơn La, Hòa Bình... để đưa về áp dụng mới thành công giúp dân tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững", Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam gợi ý.

img

Các quả bưởi trên các cây trong vườn của anh Giang chuẩn bị được thu hoạch.

img

Các cây bưởi chen trong đá tại vườn của anh Giang vẫn sai trĩu quả.