Trước khi bàn câu chuyện “mắng chó” của bà Liên, ta đọc về câu chuyện con quạ tưởng mình là đại bàng trong truyện dân gian truyền khẩu: Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa ở một xứ nọ, có con quạ đứng trên ao nước đục bắt mồi. Sau mỗi lần nhúng đầu xuống ao ngoạm mồi, nó đứng trên cành cây ngắm bóng mình in trên mặt nước. Con quạ nhìn cái bóng to xác của mình chiếu trên mặt nước, cứ nghĩ nó là một con đại bàng vĩ đại. Từ đó, nó chăm chỉ tập giọng đại bàng để hét cho cả vùng nước đục nghe uy vũ. Một ngày, cành cây nó thường đứng hót bị gãy. Nó rơi tõm xuống mặt nước. Hoá ra hình ảnh con đại bàng chỉ là sự mê hoặc của nó với chính mình, tiếng hót nhại đại bàng hoá ra chỉ là sự bắt chước lố bịch. Cái hình dáng to xác trên mặt nước đục ngầu tan theo những gợn sóng. Quạ hiện nguyên hình quạ trên mặt nước mà thôi. Người ta gọi nôm na những con quạ mắc chứng nghĩ mình là đại bàng là hội chứng “Ảo giác về đại bàng”.
Trở lại với Shark Liên và câu chuyện về giá bán nước sông Đuống ở Hà Nội. Nước sạch là mặt hàng thiết yếu và cực kỳ quan trọng của con người. Bất cứ biến động nào về chất lượng và giá cả nước sạch đều ảnh hưởng quan trọng hoặc nghiêm trọng đến đời sống của rất nhiều người dân. Dó đó, người dân quan tâm đến việc này là một việc hết sức bình thường. Trong kinh doanh, chuyện con gà đẻ trứng vàng là mơ ước của bất cứ doanh nhân nào. Bằng cách kỳ diệu nào đó, bà Liên đã được UBND TP Hà Nội chấp nhận mua nước từ công ty của bà ngay khi nhà máy chưa đưa vào hoạt động, với mức gấp đôi giá hiện hành. Điều này có nghĩa là, gà còn chưa sinh ra nhưng trứng vàng thì “cá mập” Liên đã sở hữu.
Status gây tranh cãi trên trang cá nhân của Shark Liên.
Sự việc này cộng với việc nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà (đối thủ cạnh tranh với Nhà máy nước sông Đuống của bà Liên) bị kẻ xấu đổ dầu bẩn gây ra một cuộc khủng hoảng về nước nghiêm trọng cho một bộ phận lớn người dân thủ đô, càng làm dư luận đặt ra những chất vấn liên quan đến bà Liên. Người dân có quyền biết vì sao công ty nước của bà Liên lại nhận được đặc lợi như vậy? Liệu có sự bắt tay dưới gầm bàn nào giữa những người có chức trách của thành phố Hà Nội và công ty của bà Liên trong thương vụ kỳ ảo này không? Những câu hỏi này cần được trả lời thích đáng bằng những vụ kiểm toán độc lập và thanh tra, thay vì các trình diễn ngôn từ của những người có liên quan.
Trong cơn sóng gió đó, theo lẽ thường tình, “rút lửa đáy nồi” phải là cách được chọn. Nhưng bà Liên, ngược lại, lại đăng một nội dung gây tranh cãi trên trang cá nhân, dễ làm người ta nghĩ rằng bà đang ám chỉ những người phản biện, lên tiếng về thương vụ này, và những sự lên tiếng chính đáng của họ là “tiếng chó sủa”. Điều này kích hoạt sự giận dữ của đám đông, làm cho bà Liên cuốn sâu vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng.
Giải thích hành động “thêm củi đáy nồi” này, nhiều chuyên gia phân tích khủng hoảng bán tín bán nghi về một “hội chứng ảo giác của đại bàng” mà “cá mập” Liên có thể đã mắc phải. Chỉ một status mạ lị những người có quyền lên tiếng về chuyện chính quyền cung cấp nước sạch, “cá mập” Liên có thể làm câu chuyện đi xa hơn. Và thực sự nó đã đi xa hơn, khi người ta tìm ra được những bằng chứng về việc bà cố tình lẩn tránh trách nhiệm đền bù cho khách hàng khi còn là tổng giám đốc một hãng bảo hiểm, và gây rối trên máy bay 10 năm về trước… Mặt ao gợn sóng có thể trở thành dậy sóng. Những cành củi khô sẽ gãy. Và con quạ sẽ không phải là con đại bàng to xác trên mặt nước. Và biết đâu, đâu đó có những con quạ mặc áo quan sẽ lộ nguyên hình.
Trong cơn giận dữ, người ta còn đào bới, tìm ra một lời hứa gần đây của Shark Liên đối với 39 nạn nhân tại Anh quốc: “Ngay khi xác định được danh tính các nạn nhân là người Việt Nam và hoàn tất các thủ tục ở nước sở tại, tôi muốn được trực tiếp hỗ trợ toàn bộ chi phí để đưa thi thể các bạn về nhà và an táng theo phong tục của quê hương” (trích status viết lúc 21h08 ngày 29/10/2019 trên facebook bà Liên). Nay thì danh tính của nạn nhân đã được làm rõ, họ chưa được về quê hương cũng vì chưa có kinh phí để đưa về. Người nhà của họ cũng như công chúng đang chờ xem “cá mập” Liên có nhớ đến lời hứa đầy nghĩa khí của bà hay không.
Ai đó viết, chỉ có kền kền mới kiếm danh trên cái chết của đồng loại. Còn Karl Marx viết: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình...". Tôi tin, “cá mập” Liên không phải kiếm danh, và giờ bà đã biết cách nào để phần nào cải thiện hình ảnh, xoá đi hội chứng “ảo giác về đại bàng” và những phát ngôn lùm xùm của mình, cũng là để thể hiện mình là người trượng nghĩa khí với đồng loại của mình.