Đến xóm Bầu 1, xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, hỏi về cụ bà Phạm Thị Lợi - người đã đi bộ từ nhà lên UBND xã, gặp chủ tịch xã để xin được ra khỏi hộ nghèo, không ai không biết.
PV Dân Việt gặp cụ Phạm Thị Lợi khi cụ đang cặm cụi bên vườn rau xanh mướt. Ấn tượng đầu tiên của PV về cụ bà 80 tuổi này là dáng người mảnh khảnh, thân hình nhỏ bé cùng nụ cười hiền hậu luôn thường trực trên môi. Đã cao tuổi, nhưng cụ vẫn khỏe khoắn, nhanh nhẹn và minh mẫn. Cụ Lợi sống một mình trong ngôi nhà nhỏ, chỉ rộng khoảng 20m2 nhưng gọn gàng, sạch sẽ, mới được con trai út xây dựng.
Suốt 11 năm nay, từ khi cụ ông mất, cụ Lợi sống một mình trong căn nhà cấp 4 cũ. Xét thấy hoàn cảnh khó khăn của cụ, xã Văn Yên đã xem xét và đưa gia đình cụ vào danh sách hộ nghèo. Do căn nhà xuống cấp, xã Văn Yên có chủ trương xây tặng cụ một căn nhà mới khang trang hơn với chi phí khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, cụ không nhận lời.
Suốt 11 năm nay, cụ Lợi đã sống trong căn nhà cấp 4 này.
Cụ Lợi kể, cụ sinh được tất cả 9 người con, 5 trai, 4 gái. Tất cả các con của cụ đều đã đi lấy vợ, lấy chồng hết mà cuộc sống cũng không mấy dư giả. Trước đây, khi cụ ông mới mất, người con trai thứ của cụ ngỏ ý muốn đón cụ về ở cùng, nhưng cụ từ chối. Cụ bảo: "Bây giờ còn sức khỏe, vẫn lao động được nên chưa muốn dựa dẫm, sống phụ thuộc vào con cái làm gánh nặng cho các con. Khi nào không thể lao động được nữa, sẽ tính đến chuyện nhờ vào con cái".
Hằng ngày, cụ Lợi vẫn cặm cụi ra vườn trồng rau, nuôi 10 con gà mái đẻ. Đến ngày chợ phiên, cụ lại hái từng mớ rau gánh đi chợ để bán kèm vài quả trứng. Cụ hồ hởi nói: “Bán rau, trứng mỗi ngày cũng được vài chục nghìn đủ ăn thì việc gì phải nhờ đến ai cho thêm gánh nặng. Tuy không mấy dư giả, nhưng vui vì được lao động, kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình".
Hằng ngày, cụ Lợi vẫn cặm cụi ra vườn trồng rau, nuôi gà rồi mang ra chợ bán để chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt cá nhân.
Vừa kể chuyện, cụ Lợi vừa dẫn PV Dân Việt đi thăm 1 sào rau xanh mướt do cụ tự trồng và chuồng gà với 10 con gà mái đẻ cụ tự nuôi. Cụ Lợi cho hay, cụ thấy nhiều gia đình có hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình rất nhiều.
"Tôi vẫn còn sức khỏe vẫn còn lao động được, lại chỉ có một mình, không cần chi tiêu quá nhiều, chỉ cần đủ ăn ngày 3 bữa. Bởi vậy tôi muốn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại cho những người khác còn khó khăn hơn. Đối với con cái, tôi không muốn dựa dẫm để tăng thêm gánh nặng”, cụ vừa nói vừa móm mém cười.
Ông Vũ Văn Luận – Phó Chủ tịch UBND xã Văn Yên, Trưởng ban chỉ đạo công tác xóa đói, giảm nghèo của xã cho biết: “Cả xã Văn Yên hiện còn 99 hộ nghèo chiếm khoảng 4,25%, trong đó chủ yếu là người già hết tuổi lao động hoặc những hộ tách khẩu ra ở riêng, không sống chung cùng với bố mẹ, con cái. Trường hợp của cụ Phạm Thị Lợi ở xóm Bầu 1 nằm trong diện hộ nghèo đã được 10 năm. Đây là trường hợp đầu tiên của xã xin thoát nghèo từ trước đến nay.
Trong đợt rà soát hộ nghèo hồi tháng 9, tháng 10 vừa qua của xã, do nắm được chủ trương nên cụ Lợi đã một mình ra UBND xã gặp Chủ tịch để có ý kiến xin được ra khỏi hộ nghèo. Nhận thấy sự cương quyết của bà cụ nên xã đã chấp thuận xem xét mong muốn đó".
Ông Luận cho biết thêm, chuyện cụ Lợi xin ra khỏi hộ nghèo có sức lan tỏa rất lớn trong dư luận. Nhiều hộ gia đình khác trong xã trước đây từng có ý kiến thắc mắc về việc xin được vào danh sách hộ nghèo đã không còn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Sáng – Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ chia sẻ: "Đây là một trong những trường hợp rất hiếm của huyện. Trong khi một số đối tượng luôn có tư tưởng trông, chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, việc làm của cụ giống như tấm gương cho những người trẻ nhìn vào đó để cùng học tập và noi theo".
Câu chuyện về những tấm gương tự lực vươn lên thoát khỏi khó khăn chưa bao giờ là cũ. Nhưng với một bà cụ đã cao tuổi, việc làm này lại càng trở nên đáng kính trọng hơn.