Dân Việt

Nhiều hộ nghèo ở Bình Định bất ngờ... xin thoát nghèo

Dũ Tuấn 02/12/2019 16:41 GMT+7
Nói về câu chuyện bất ngờ tự xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, nông dân Nguyễn Thường (ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) cho rằng, gia đình mình không muốn ỷ lại sự giúp đỡ từ Nhà nước nữa và nhường “suất nghèo” cho người có hoàn cảnh khổ cực hơn mình.

“Không muốn ỷ lại, nhường cho người khổ hơn”

Chủ động xin ra khỏi hộ nghèo, đồng nghĩa không còn được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhưng những hộ nghèo ở tỉnh Bình Định rất quyết tâm với lựa chọn của mình. Bởi, theo lý giải của họ đó không phải là xuất phát từ sự bốc đồng nhất thời hay lòng tự ái, càng không phải vì muốn “làm mình nổi tiếng”, mà xuất phát từ nhận thức ngày một tiến bộ và từ tấm lòng muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn như mình.

img

Ông Nguyễn Thường xin rút ra khỏi hộ nghèo vì không muốn ỷ lại mãi vào sự hỗ trợ từ Nhà nước. Ảnh: Dũ Tuấn

“Biết bao hoàn cảnh cơ cực, không may mắc bệnh tật hiểm nghèo, trong khi vợ chồng tôi vẫn còn đủ sức tự làm nuôi bản thân. Không thể cứ mãi ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên tôi muốn dành suất đó cho hộ khó khăn thực sự, khổ cực hơn gia đình tôi”, đó là lý do khiến nông dân Nguyễn Thường (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Là 1 trong 72 hộ nghèo ở thôn Kim Sơn (xã Ân Nghĩa), những năm trước đây vợ chồng ông Nguyễn Thường (66 tuổi) và bà Nguyễn Thị Phố (64 tuổi) chăm chỉ làm nông nghiệp lo cho cả 6 người con lập gia đình, khiến sức lực bị bào mòn.

Ở cái tuổi ngấp nghé 70, công việc chẳng ổn định lại bệnh của người già, trong khi con cái chưa giúp được gì nhiều nên cuộc sống vợ chồng ông Thường luôn gặp khó khăn.

Năm 2016, gia đình ông được chính quyền xếp vào diện hộ nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Trong suốt gần 4 năm thuộc diện hộ nghèo được hưởng những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, cộng với ý chí vươn lên, kinh tế gia đình ông cũng dần tạm ổn.

Gần 1 năm qua, ngoài việc làm nông nuôi bò, ông Thường còn tự mày mò học nghề đúc chậu cảnh để tạo thêm nguồn thu nhập. Khi kinh tế tạm ổn, vợ chồng ông bàn với nhau xin được thoát nghèo để nhường suất cho những hoàn cảnh bi đát hơn.

Trong cuộc họp thôn diễn ra vào đầu tháng 10 vừa qua, bà Nguyễn Thị Phố (vợ ông Thường) bất ngờ đứng lên bày tỏ nguyện vọng xin ra khỏi diện hộ nghèo trước sự ngỡ ngàng và những tràng pháo tay tán thưởng của người dân thôn Kim Sơn.

“Trước đây, vợ chồng tôi nhờ ân huệ của Nhà nước mà được xét vào hộ nghèo nên có điều kiện vượt khó khăn. Đất nước mình còn nghèo, Nhà nước còn phải lo cả triệu dân chứ đâu chỉ riêng cá nhân mình. Trong khi còn rất nhiều hoàn cảnh cơ cực, bệnh tật nghiệt ngã đẩy vào bước đường cùng nên vợ chồng tôi xin ra khỏi hộ nghèo. Tôi nghĩ mình tự nguyện thì tốt hơn và cũng là để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn thực sự”, ông Nguyễn Thường nói.

img

Nghề đúc chậu cùng với làm ruộng là "cần câu cơm" giúp gia đình ông Thường có thêm thu nhập và tự tin thoát nghèo. Tùy từng chậu lớn hay nhỏ, ông Thường bán với giá từ 20.000 - 170.000 đồng/chậu. Ảnh: Dũ Tuấn

Quyết xin ra khỏi diện nghèo dù vẫn nghèo

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Tình (SN 1951), người ở cùng thôn Kim Sơn, có gia cảnh còn bi thảm hơn nhưng ông Tình cũng vừa tự nguyện xin thoát nghèo. Mới năm ngoái, vợ ông Tình mất vì bệnh tật, để lại cho ông gánh nặng phải nuôi nấng đứa con gái 40 tuổi bị tật nguyền bẩm sinh.

Chẳng bao lâu sau ông Tình bị tai nạn nặng, việc chữa trị kéo dài 2 năm trời ở bệnh viện. Di chứng tai nạn khiến 1 chân ông Tình rất yếu, ông lại đang chung sống với vợ chồng người con trai út, đời sống chật vật vì 3 đứa cháu nội còn nheo nhóc, nhưng ông Tình vẫn quyết định “chia tay” với những chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho hộ nghèo. Sau khi bàn bạc chuyện xin thoát nghèo với vợ chồng con trai, sự đồng thuận của 2 đứa con đã khiến ông Tình thoải mái hơn khi đi đến quyết định ít ai làm được.

Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng thôn Kim Sơn khẳng định: “Gần 20 năm làm trưởng thôn, tham gia công tác bình xét hộ nghèo ở địa phương nhưng ông chưa bao giờ chứng kiến nhiều người dân chủ động xin rút ra khỏi hộ nghèo như lúc này. Đặc biệt, trong đó có những hộ vẫn còn quá khó khăn, có thể xét hộ cận nghèo song vẫn tự nguyện xin thoát nghèo”.

Theo ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân), Ân Nghĩa là xã đặc biệt khó khăn của huyện, toàn xã có 781/2.537 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 30%. Trong đợt xét duyệt vừa qua, xã có 9 hộ tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo (trong đó thôn Kim Sơn 4 hộ, thôn Bình Sơn 5 hộ). Đây cũng là những hộ đầu tiên xin ra khỏi diện nghèo của xã Ân Nghĩa, thậm chí cả huyện.

“Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần của các hộ dân này, chắc chắn trong thời gian sắp tới địa phương sẽ biểu dương, khen thưởng nhằm khích lệ tinh thần tự lực tự cường của bà con trong xã”, ông Liên nói.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.