Dân Việt

Nông nghiệp Hà Giang hướng tới sản xuất hàng hóa

Trang Thảo 20/11/2019 10:45 GMT+7
Sau 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hà Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nông nghiệp phát triển, bộ mặt nông thôn khởi sắc. Một số nông sản chủ lực đang từng bước được sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung với quy mô lớn, dần có chỗ đứng trên thị trường.

Để giúp độc giả nắm rõ hơn về những thành quả trong sản xuất nông nghiệp Hà Giang đã đạt được, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh.

img

Mô hình nuôi ong mật bạc hà tại xã Lũng Phù, huyện Mèo Vạc.

Thực hiện chủ trương của Bộ NNPTNT, các địa phương trong cả nước đang tích cực thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ở Hà Giang, chương trình này được thực hiện như thế nào, đâu là cơ cấu cây – con được tỉnh ưu tiên phát triển, thưa ông?

- Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Hà Giang đặt ra với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng cho người dân và sát với điều kiện thực tế của địa phương. Vì vậy cơ cấu nông nghiệp Hà Giang sẽ tập trung trên những cây – con chủ lực.

Chúng tôi tập trung vào 3 cây, 2 con (cây cam, cây chè, cây dược liệu và con trâu- bò, con ong lấy mật). Trên tinh thần đó Hà Giang đã xây dựng một đề án rất cụ thể. Dự kiến đến năm 2020 Hà Giang sẽ nhìn nhận đánh giá kết quả triển khai đề án để biết nền nông nghiệp của địa phương đang đứng ở chỗ nào và từ đó chúng tôi sẽ xây dựng chương trình cho giai đoạn tiếp theo (2020 đến 2025).

Đến nay so với mục tiêu mà đề án tái cơ cấu nông nghiệp Hà Giang đã đặt ra, thì tất cả các chỉ tiêu chúng tôi đã hoàn thành khoảng 90%, có những chỉ tiêu đã vượt như: tổng đàn ong có khoảng 42.000 đàn (theo kế hoạch là 35.000 đàn); cam có 8.300ha (kế hoạch là 5.000ha)…

Với một địa phương còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều như Hà Giang, việc tái cơ cấu nông nghiệp chắc chắn gặp không ít khó khăn, theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất?

- Nếu tái cơ cấu không đi vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, không nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm thì không phải là tái cơ cấu. Khi bước vào sản xuất hàng hóa, khó khăn lớn nhất của Hà Giang chính là nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn có hạn, việc triển khai đề án gặp nhiều vướng mắc.

img

Vùng sản xuất rau công nghệ cao tại xã Quyết Tiến, huyện Quảng Bạ.

Có người nhận định về vốn khó, có người thì lại bảo không có thị trường … nhưng chúng tôi đang từng bước giải quyết vấn đề này rất rõ ràng. Ví dụ về vốn thì chúng thực hiện theo tín dụng hóa, không phải vốn theo ngân sách nhà nước cấp, mà nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất đối với từng loại. Tính từ 2016 đến nay, Hà Giang đã sử dụng hơn 600.000 tỷ đồng vốn tín dụng, trong đó lãi suất trả cho ngân hàng trên 60 tỷ và như vậy chúng tôi đã giải được bài toán khó khăn về nguồn vốn.

Vì vậy có thể nói, khó khăn nhất chính là nhận thức của người dân và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Với tỉnh xa như Hà Giang thì các sản phẩm của chúng tôi đều phải cõng thêm chi phí nhất định liên quan đến điều kiện đất đai, sản xuất nhỏ do vậy giá thành lớn.

Thời gian qua, Hà Giang cũng đã kêu gọi được nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp, ông có kỳ vọng gì vào sự đột phá này?

- Sản xuất hàng hóa phải có các doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp đồng hành thì cần kiên trì, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và tạo ra những sản phẩm chỉ có Hà Giang mới có để giữ được mối quan hệ giữa người sản xuất, người tiêu dùng, đồng thời làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng biết được sản phẩm đó là của Hà Giang và kết nối để tiêu thụ sản phẩm .

Đây là vấn đề quan trọng mà ngành nông nghiệp cùng với ngành công thương Hà Giang cần tìm ra được những phương án giải quyết hợp lý trong thời gian tới.

Định hướng, chủ trương của tỉnh trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian tới là gì, thưa ông?

- Sau khi đề án Tái cơ cấu nông nghiệp được đưa vào triển khai đến nay Hà Giang đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận đó là: tập quán, tư tưởng sản xuất của người dân đã có những thay đổi rất lớn, người dân đã biết cùng nhau liên kết lại để tổ chức sản xuất theo tổ HTX, HTX… giải quyết được vấn đề từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm; Bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, ngoài việc cơ sở hạ tầng được đầu tư thì thu nhập bình quân đầu người ngày một tăng lên. Và cái đổi thay mang tính đột phá, quyết định nhất đó là cách nghĩ, cách làm của người nông dân đã có sự thay đổi, bà con đã biết cách bán hàng trong nông nghiệp; biết tìm kiếm thị trường cái này sẽ quyết định tất cả mọi vấn đề trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Giai đoạn tới 2020 – 2025, Hà Giang sẽ tập trung cao vào 3 vấn đề chính đó là: Tăng trưởng xanh, tức là sản phẩm của Hà Giang phải là sản phẩm sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, phục vụ người tiêu dùng, chúng tôi không tham về số lượng; Phải định hướng cho người dân hướng tới sản xuất hàng hóa, làm ra sản phẩm của chính mình; và cuối cùng là thực hiện được đầy đủ các chỉ tiêu phụ.

Với Hà Giang vấn đề dồn điền đổi thửa không thành vấn đề đặt ra lớn vì đặc thù của Hà Giang là miền núi, chúng tôi chỉ tập trung ở 3 vùng là Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, những nơi có đủ điều kiện dồn điền đổi thửa thì mới tập trung vào đó, nhưng không mong muốn lớn về chương trình này.

Việc dồn điền đổi thửa để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của Hà Giang chỉ được thực hiện khi giải quyết được 2 vấn đề: Sau khi dồn xong thì phải sản xuất hàng hóa thì mới dồn điền đổi thửa; Diện tích tối thiểu sau khi dồn phải có từ 3ha trở lên thì mới cho dồn. Còn các nơi khác có diện tích ruộng bậc thang lớn sẽ không dồn, vì nếu làm ra sẽ tạo áp lực cho tuyến huyện và không hiệu quả, và dồn xong mà không sản xuất hàng hóa thì chỉ mất tiền vì vậy chúng tôi sẽ không làm.

Xin cảm ơn ông.

"Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Hà Giang đặt ra với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng cho người dân và sát với điều kiện thực tế của địa phương. Vì vậy cơ cấu nông nghiệp Hà Giang sẽ tập trung trên những cây – con chủ lực".