Dân Việt

Quảng Ninh: Bỏ tiền tỷ đua nhau nuôi loài ngao "không chịu lớn"

Hải Long 20/11/2019 19:01 GMT+7
Nhiều hộ dân ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đầy tư hàng chục tỷ đồng để nuôi ngao hai cùi, ngao hoa nhưng đã quá tuổi thu hoạch mà ngao "không chịu lớn", bắt đầu có dấu hiệu ngao chết.

Clip - Dân Vân Đồn đua nhau nuôi ngao, hàu: 2 năm không lớn, nguy cơ dịch bệnh.

Anh Nguyễn Thành Trung, người có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản trên biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh) cho biết, do thấy nhiều hộ nuôi ngao mấy năm trước thu nhập tốt, có hộ bỏ 1 đồng vốn lãi gấp 2-3 .

Chính vì thế, từ đầu năm đến nay, tại huyện Vân Đồn đã có thêm hàng trăm hộ đầu tư nuôi ngao hai cùi, hàu dây, thưng, ngao hoa… Mỗi hộ như vậy đầu tư trên dưới 1 tỷ đồng, có hộ đầu tư hàng chục tỷ đồng.

“Mấy năm trước nuôi ngao 2 cùi trên tại vùng biển Vần Đồn lớn rất nhanh, có hộ nuôi chỉ 8-10 tháng là thu hoạch. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, nhiều hộ nuôi ngao "không chịu lớn". Thông thường ngao 2 cùi chỉ nuôi khoảng 12-16 tháng là thu hoạch nhưng năm nay có hộ nuôi đã hơn 2 năm mà ngao không lớn nên nuôi cố...", anh Trung thở dài.

Theo anh Trung, một số hộ lác đác đã có ngao chết nhưng vẫn chưa thu hoạch vì ngao nhỏ, giá thu mua thấp. Những hộ này đã chuyển đổi sang nuôi loại khác như: Thưng, ngao hoa hoặc hàu treo. Có nguyên nhân là do giống kém chất lượng...

img

Người dân huyện Vân Đồn, Quảng Ninh đổ xô nuôi nhuyễn thể dẫn đến tình trạng ngao không lớn, nguy cơ mất mùa.

Anh Nguyễn Thành Trung cũng cho biết, nếu tính sơ sơ trên toàn huyện Vân Đồn, năm nay có khoảng 1.000 hộ đã đầu tư nuôi nhuyễn thể (hàu, ngao hoa, ngao 2 cùi..." dưới biển. Chưa có hiện tượng dịch bệnh chết hàng loạt nhưng ngao chết vì quá tuổi đã xuất hiện.

Vì người dân đổ xô nuôi trồng ồ ạt nên việc nhập giống ngao, hàu ở Vân Đồn cũng hết sức khó khăn và không đảm bảo chất lượng. Giống các loại này đã tăng lên rất cao từ 2 – 3 lần, do sản xuất vội nên chất lượng giống cũng kém hơn mọi năm. Giống ngao người dân thường mua tại các trại giống tại Nha Trang hoặc nhập từ Trung Quốc.

Còn theo một lãnh đạo xã đảo Thắng Lợi, hiện trên các vùng biển quanh đảo nhiều hộ nuôi ngao cũng có hiện tượng ngao hai cùi không lớn dù đã quá tuổi thu hoạch nhiều tháng. Do ngao hai cùi không lớn nên hiện người dân trên đảo đã chuyển từ nuôi ngao hai cùi sang nuôi thưng và một số loại giống nhuyễn thể mới.

img

Nhiều nơi ngao hai cùi không lớn, chết lẻ tẻ nhưng có nơi ngao vẫn phát triển tốt.

Việc thu mua ngao 2 cùi thành phẩm để bán cũng gặp không ít khó khăn, ông Hoàng Văn Cường, một người chuyên thu mua ngao hai cùi để xuất bán sang Trung Quốc cho biết, hiện ngao nuôi tại Vân Đồn chất lượng rất kém.

Do ngao bé, xấu nên giá thu mua cũng giảm đi một nửa (khoảng 40.000-60.000đ/kg). Tại những địa phương khác, ngao 2 cùi vẫn phát triển tốt như tại xã đảo Vĩnh Thực, Vĩnh Trung ngao 2 cùi vẫn được thu mua với giá 80.000đ đồng đến 100.000 đồng/kg.

“Mọi năm ngao 2 cùi tại Vân Đồn rất đẹp, to nên được thu mua giá cao. Năm nay ngao xấu hơn nhiều, có thể do nuôi quá dầy, nhiều hộ lại phối hợp nuôi hàu phía trên, thả ngao phía dưới có thể vì vậy mà ngao không có thức ăn nên không thể lớn được”, ông Cường cho biết.

img

Nhiều hộ chuyển sang nuôi hầu đại dương.

Còn theo Chi cục thủy sản Quảng Ninh, hiện chưa có thông tin về việc nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn bị dịch bệnh hay chết hàng loạt. Tuy nhiên việc người dân nuôi trồng ồ ạt, không theo quy hoạch vùng nuôi sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao.

“Việc nuôi nhuyễn thể: ngao, hầu, hà với mật độ dầy sẽ làm con giống không có thức ăn do phải chia sẻ nguồn thức ăn đã đến chậm lớn. Đây là hiện tượng rất bình thường. Tuy nhiên nếu để ngao quá tuổi mà không thu hoạch có thể sẽ dẫn đến tình trạng ngao chết và phát sinh dịch bệnh”, ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng chi cục thủy sản Quảng Ninh cho biết.

Do người dân tại huyện Vân Đồn nuôi nhuyễn thể ồ ạt đã dẫn đến tình trạng lấn chiếm luồng lạch gây ảnh hưởng đến giao thông thủy tại. Nhiều luồng tuyến chính bị xâm phạm nghiêm trọng làm việc lưu thông của các tàu thuyền gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Ban an toàn giao thông tỉnh Quảng Ninh, do công tác quản lý của địa phương chưa tốt nên người dân mới lấn chiếm nghiêm trọng như thế này. Không có chuyện người dân trong một vài ngày mà có thể mở rộng vùng nuôi như hiện nay.

img

Tại khu vực biển xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn cũng gặp tình trạng tương tự.

Huyện Vân Đồn có nhiều đảo, nguồn nước sạch và phù du, thích hợp với nhiều đối tượng thủy, hải sản nuôi, đặc biệt, diện tích đất bãi triều phù hợp phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn.

Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thay đổi quy hoạch chung để kịp thời phục vụ những chiến lược phát triển mới của toàn vùng, nên trong gần 20 năm trở lại đây, Vân Đồn hiếm khi triển khai công tác giao, cho thuê bãi triều, mặt nước để các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản...

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người dân tự phát, nuôi không theo quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản Khu kinh tế Vân Đồn giai đoạn 2011-2020, nuôi không đúng vị trí, vượt ranh giới được giao, cho thuê; lấn chiếm mặt nước để nuôi và vi phạm hành lang an toàn giao thông thủy nội địa... gây khó khăn trong công tác quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường.